Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội
Cho đến nay, trong khoa học pháp lý
cả trên thế giới và ở Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về chức năng
của nhà nước dù thuật ngữ này đã được sử dụng phổ biến. Nhận thức về chức năng
của nhà nước bị chi phối bởi nhiều yếu tố từ bản chất, quan niệm về nhà nước
cho tới bối cảnh kinh tế, chính trị, xu thế của thời đại và trình độ phát triển
của nền khoa học.
Ở Việt Nam, dù có nhiều cách tiếp cận
khác nhau, nhưng về cơ bản các nhà khoa học cho rằng, chức năng của nhà nước: 1) Là phương diện hoạt động chủ yếu, cơ bản
của nhà nước thể hiện trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội (để thực
hiện nhiệm vụ của nhà nước); 2) Phù hợp với bản chất của nhà nước; 3) Thể hiện
vai trò của nhà nước đối với xã hội (qua đó biểu thị giá trị của sự tồn tại của
NN).[1]
Quan điểm tương tự cũng tìm
thấy trong nhiều công trình của các học giả Xô Viết và một số học giả Liên bang
Nga.[2] Tuy nhiên, trong nền khoa
học pháp lý Liên bang Nga hiện đại, xung quanh khái niệm chức năng của nhà nước
cũng hình thành khá nhiều trường phái, như: Thuyết
hoạt động (các hoạt động của nhà nước khác với các hoạt động của các cơ
quan của nhà nước. Các phương diện hoạt động của nhà nước nói chung mới gọi là
chức năng của nhà nước); Thuyết mục đích
luận xã hội (chức năng của nhà nước chính là các mục tiêu và ý nghĩa xã hội
của nhà nước); Thuyết nội dung chính trị
(Chức năng của nhà nước không phải là các phương diện hoạt động mà chính là các
đối tượng tác động và nội dung của hoạt động nhà nước và các phương thức,
phương tiện đảm bảo cho những nội dung hoạt động ấy); Thuyết mục đích luận chuẩn mực (Chức năng nhà nước là sự biểu hiện
một cách hợp pháp các mục tiêu, công việc cơ bản của nhà nước); Thuyết quyền lực (Chức năng nhà nước là
các phương thức chủ yếu để thực hiện quyền lực nhà nước)…
Georg Jellinek (nhà khoa học người Đức)
cho rằng nên phân biệt hai loại chức năng của nhà nước là chức năng nội dung và
chức năng hình thức. Theo đó, chức năng nội dung là các hoạt động của nhà nước
để đạt được mục đích của nhà nước (là phương tiện để đạt được mục đích). Chức năng
này cụ thể hóa qua các cơ quan, đối với từng nhà nước trong từng giai đoạn cụ
thể, luôn thay đổi và không bất biết. Còn chức năng hình thức là hình thức biểu
hiện ra bên ngoài của các hoạt động của nhà nước. Theo ông không thể đưa ra
khái niệm cứng nhắc về chức năng của nhà nước.[3]
Về mặt ngôn ngữ, theo từ điển tiếng
Việt, chức năng là nhiệm vụ, công dụng, vai trò.[4] Trên phương diện lịch sử,
thuật ngữ “function” được dùng đầu tiên bởi nhà khoa học người Đức Gottfried
Wilhelm Leibniz vào cuối thế kỉ XVII. Tuy nhiên, thuật ngữ này được ông dùng
trong toán học với nghĩa “hàm số” hay “hàm” để biểu đạt “sự biến thiên của đại
lượng này phụ thuộc vào sự biến thiên của đại lượng khác”. Mãi đến thế kỉ XX,
“function” mới được dùng trong lĩnh vực có liên quan đến nhà nước và pháp luật.
Đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX người ta dùng từ “function” theo nghĩa “là
cách thức hành động thuộc về bản chất của một hiện tượng nào đó (hay hệ thống
nào đó) mà nhờ có nó sự tồn tại của sự vật, hiện tượng hay hệ thống mới được đảm
bảo”. Sang đến những năm 80 của thế kỉ XX, các nhà khoa học đã dùng từ này theo
nghĩa bản chất của sự vật hiện tượng nhiều hơn. Lúc này, “function” được hiểu là
phương thức biểu hiện ra bên ngoài các bản chất của sự vật, hiện tượng.
Như vậy, có thể thấy quan niệm về chức
năng nhà nước khá đa dạng và lịch sử phát triển của thuật ngữ cho thấy được phần
nào bản chất của khái niệm. Theo đó, chức năng của nhà nước không thể không gắn
với hoạt động của nhà nước. Tuy nhiên, chức năng nhà nước không phải là hoạt động
cụ thể của nhà nước cũng như hoạt động của từng bộ phận của nhà nước và ngược lại.
Các hoạt động của nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau chỉ là phương thức thể
hiện giá trị, vai trò, công dụng của nhà nước hay nói một cách khác, thông qua
các hoạt động của nhà nước chức năng nhà nước mới được thể hiện. Mặt khác, chức
năng của nhà nước đồng thời là phương tiện biểu đạt bản chất của nhà nước và luôn
phù hợp với bản chất, trình độ phát triển của nhà nước trong từng giai đoạn, thời
kỳ lịch sử nhất định. Bên cạnh đó, xét về mặt bản chất, chức năng của nhà nước
cũng là hiện tượng gắn liền với bản chất và nội dung pháp lý, có tính chất quyền
lực nhà nước, có ý nghĩa xã hội, được thực hiện theo quy trình thủ tục và được
quy định bởi các điều kiện khách quan.
Khác với nhiệm vụ và mục tiêu, chức
năng của nhà nước có tính chất tự nhiên (tính chất vốn có) của nhà nước, là cơ
sở tự nhiên, giá trị tồn tại của nhà nước. Mục tiêu là những gì được đặt ra và
hướng tới để thể hiện chức năng của nhà nước, còn nhiệm vụ là những phương tiện
mà thông qua giải quyết chúng chức năng nhà nước được thực hiện. Nhiệm vụ, mục
tiêu thường có tính chất thời điểm, giai đoạn, riêng lẻ, còn chức năng thường có
tính chất ổn định và mang tính tổng thể.
Tóm lại, chức năng của nhà nước không
phải là các hoạt động (hay hoạt động cơ bản) của nhà nước mà là những phương diện, phương thức hoạt động cơ bản được thể hiện thông qua các hoạt động của nhà nước và qua đó
biểu đạt các giá trị, ý nghĩa, công dụng, vai trò của nhà nước đối với xã hội,
phù hợp với bản chất nhà nước trong mỗi bối cảnh, từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử nhất định.
[1]
Xem: Giáo trình Lý luận nhà nước
và pháp luật (Chủ biên Hoàng Thị Kim Quế). NXB. ĐHQGHN, 2005, tr. 107; Giáo trình
Lý luận nhà nước và pháp luật (Chủ biên Lê Minh Tâm), NXB. CAND, 2010, tr. 40.;
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật (Chủ biên Nguyễn Cửu Việt), NXB. ĐHQGHN,
2003, tr. 52…
[2]
Xem các giáo trình Lý luận về
nhà nước và pháp luật của GS.TSKH M.N. Marchenko, NXB. ĐHTH MGU, 2012 (tái bản
lần thứu 2), tr.335.; Giáo trình Lý luận về nhà nước và pháp luật của GS.TSKH.
L.A. Morozova, NXB. Giáo dục pháp lý, 2013, tr.86.; Giáo trình Lý luận chung về
nhà nước và pháp luật (Chủ biên: I.N. Matuzov và A.V. Malko), 2001.
[3] Dẫn theo: Arkhipova O.V., Sự phát
triển của các khái niệm “chức năng nhà nước” “sự thất bại của nhà nước”// Chuyên
san Kinh tế của trường ĐHTH Chelyabinsk, Nga, số 6, năm 2010.
[4] Đại Từ điển tiếng Việt năm 1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.