ảnh: Internet |
Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
Tìm về cội nguồn ...
Cách đây không lâu, tôi có đọc lại những tranh luận về Nho giáo của hai cụ Phan Khôi và Trần Trọng Kim. Sự sâu sắc trong nhận thức về Nho học, Đạo Khổng của hai cụ quả thật không thể bàn cãi. Khi đọc những nghiên cứu của cụ Phan Khôi về “Chính Danh” và “Luân lý học phương Đông” tôi lại thấy có một điều khá thú vị: thú vị về mặt ngôn ngữ và thú vị về mặt bối cảnh. Đó là vấn đề về mối liên hệ giữa hai thuật ngữ “Chính trị” với “Politics”.
Thoạt đầu, tôi cũng thấy
rằng, chẳng có gì phải bàn đến ở đây cả, vì thuật ngữ “Politics” khi dịch sang
tiếng Việt thì được gọi là “Chính trị”. Tiếng Nga cũng vậy, thuật ngữ
“Politics” cũng có nghĩa tương tự trong tiếng Nga là “Политика” (phiên âm:
Politika). Tuy nhiên, khi liên hệ với thuyết “Chính danh” của Nho học, tôi có cảm
giác hình như có gì đó cần phải bàn thêm.
Trong ngôn ngữ phương
Tây (bao gồm cả ngôn ngữ Anh và Nga), thuật ngữ “Politics” (hay “Политика”) đều
có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại. Theo đó, trong tiếng Hy Lạp cổ, bắt đầu từ
chữ “πολιτική ” (công việc quốc gia). Ở đây, thuật ngữ mà chúng ta dịch là “Chính
trị” có gốc là “πόλις” (polic) có nghĩa là thành phố quốc gia (cũng hay được dịch
là thành bang). Bên cạnh gốc “πόλις” thì thuật ngữ đó còn được ghép với đuôi “τική”
(phiên âm là tiky) có nghĩa là ý nghĩa. Như vậy, từ gốc Hy Lạp đó có nghĩa là
“Công việc có ý nghĩa quốc gia”. Sau này, trong tiếng Hy Lạp từ đó cũng được viết
thành “πολιτικός” với nghĩa “πόλι”
(“poli” - nhiều, nhiều người) và “τόκος” (“tokoc”nghĩa là lợi ích) hay “τικός”
(tikos – liên quan đến người dân).[1]
Ngoài ra, việc hiểu nghĩa của từ “ Politika” và việc phát triển nó cũng có công
lớn của nhà triết học Aristotle với cuốn sách “Politika” và được hiểu theo nghĩa
công việc của quốc gia hay liên quan đến các công dân.