Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Xin gửi Phần 2 để chúng ta cùng bàn luận. Trong phần này trên cơ sở phân định "quy phạm pháp luật" và "quy tắc pháp luật" tôi có đưa ra ý kiến về cấu trúc của quy phạm pháp luật.
Xin giới thiệu!
Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong nhận thức lý
luận về quy phạm pháp luật được cho là cấu trúc của quy phạm pháp luật.
Các học giả trong và ngoài nước đều cho rằng, quy phạm pháp luật là
một hiện tượng pháp luật độc lập và cũng có cấu trúc riêng. Tuy nhiên, quy phạm
pháp luật có cấu trúc như thế nào, được tạo thành từ những bộ phận nào lại chưa
có sự thống nhất. Về cơ bản, tựu chung lại hiện tồn tại hai nhóm quan niệm về cấu
trúc của quy phạm pháp luật. Nhóm thứ nhất là những quan niệm cho rằng quy phạm
pháp luật có cấu trúc gồm hai bộ phận, và nhóm thứ hai - coi quy phạm pháp luật
có cấu trúc ba bộ phận. Tuy nhiên, trong nhóm thứ nhất cũng có những quan điểm
không giống nhau về các cấu thành của quy phạm pháp luật. Có một số học giả cho
rằng, quy phạm pháp luật gồm hai phần là giả định và chỉ dẫn[1], nhưng cũng có quan niệm cho
rằng quy phạm pháp luật bao gồm quy tắc và bảo đảm.[2] Theo GS người Nga N.M.
Korkunov: “mỗi quy phạm pháp luật gồm hai bộ phận cấu thành: phần xác định điều
kiện để áp dụng quy tắc và phần mô tả chính quy tắc (nội dung quy tắc)”.[3]
Ngược lại với nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai, dù thống nhất ở điểm quy
phạm pháp luật có cấu trúc ba bộ phận, nhưng lại có nhiều khác biệt về nội dung
và tên gọi của mỗi bộ phận cấu thành đó. Theo đó, có một số học giả cho rằng,
quy phạm pháp luật có ba bộ phận: giả định, quy định và bảo đảm[4] hoặc phổ biến hơn cả là
quan niệm cơ cấu quy phạm ba bộ phận: giả định, quy định và chế tài.[5] Thậm chí còn có quan niệm
cho rằng, không phải mọi quy phạm pháp luật đều có cấu tạo ba phần, mà cấu tạo
của quy phạm pháp luật còn tùy thuộc vào loại hình quy phạm đó. Chẳng hạn, đối
với quy phạm thông thường thì có cấu tạo ba bộ phận, còn các quy phạm xung đột
thì chỉ có hai bộ phận phạm vi và hệ thuộc.[6]