ảnh: Internet |
TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật-ĐHQGHN
Nguồn: Sách chuyên khảo
"Tư duy pháp lý: Lý luận và thực tiễn"
NXB. ĐHQGHN, 2016
Chủ biên: Nguyễn Hoàng Anh,
Vũ Công Giao, Nguyễn Minh Tuấn
Thông thường, nhiều người hay bàn về những quy luật của tư duy. Điều này rất đúng, nhưng đó là tư duy lý tưởng, tư duy logic hay nói một cách khác - những đòi hỏi của tư duy logic, khoa học. Ở một góc nhìn bình dân hơn, tôi thấy tư duy đơn giản là một sản phẩm sinh ra từ cuộc sống và luôn vận động biến đổi cùng cuộc sống. Đến lượt mình tư duy cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi cuộc sống, thay đổi chính mình. Thiết nghĩ, ở một góc nhìn "bình dân" thì chúng ta sẽ có một cái nhìn "khoan dung" hơn với lề lối tư duy của một xã hội đương thời và cũng từ đó sẽ nỗ lực hơn để thay đổi (hoàn thiện hoặc đổi mới) thực tại xã hội để tư duy, nhất là tư duy pháp lý, ngày một tiệm cận hơn tới các chuẩn mực của tư duy khoa học, logic và hiện đại.
Mở đầu
Tư duy pháp lý là một loại
hình của tư duy - tư duy chuyên nghiệp của luật gia, vì vậy nó cũng cần phải
tuân thủ đầy đủ những quy luật cơ bản của tư duy logic hình thức, như quy luật
đồng nhất, quy luật không mâu thuẫn, quy luật triệt tam và quy luật lý do đầy đủ.[1] Những quy luật này cũng
chính là những yêu cầu cần thiết của luật gia trong hoạt động nghề nghiệp.
Tư duy là một hoạt động nhận
thức của con người và tư duy pháp lý cũng vậy. Vì thế tư duy pháp lý không tách
rời thực tại khách quan. Những quy luật của tư duy logic hình thức đòi hỏi trạng
thái tĩnh, lý tưởng, trong khi đó, trên thực tế, tư duy pháp lý luôn gắn liền với
hoạt động của mỗi chủ thể, đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh, thời điểm xác định,
vì vậy nó còn chịu tác động và nằm trong mối liên hệ qua lại với thực tại xã hội.
Tư duy pháp lý là hoạt động nhận thức (ý thức) của cá nhân, chịu sự quy định của
thực tại xã hội, của chủ thể nên luôn vận động, biến đổi và phát triển. Nói một
cách khác, cũng như tư duy, tư duy pháp lý không chỉ là những quy luật, những
điều kiện, mà còn là một hiện tượng có mối quan hệ chặt chẽ với thực tại xã hội,
luôn vận động, biến đổi và phát triển.