![]() |
Ảnh: Internet |
Tóm tắt: Bài viết phân tích các khía cạnh lịch sử phát triển của tư duy phân chia luật công, luật tư, xem xét một số lý thuyết, quan điểm đánh giá tác động của các quyền hiến định trong lĩnh vực luật tư và trên cơ sở đó làm rõ một số vấn đề đặt ra, sự đổi mới tư duy phân loại luật công, luật tư trong bối cảnh mới. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra một số gợi mở mang tính nhận thức về phân loại luật công, luật tư, về cấu trúc hệ thống pháp luật trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Luật công, luật tư, quyền hiến định, tác động, hiến pháp
1. Dẫn nhập
Tư
duy phân chia luật công và luật tư là đặc trưng của truyền thống pháp luật Châu
Âu lục địa (Civil Law). Ulpian, luật gia La Mã thời cổ đại, được biết đến nhiều
hơn cả khi đưa ra tiêu chí phân loại luật công, luật tư trong công trình Institutes
nổi tiếng của mình [1]. Đến thế kỷ kỷ XVII và XVIII, cùng với sự ra đời và phát
triển của Trường phái pháp luật tự nhiên cổ điển, lý thuyết phân chia luật
công, luật tư thực sự được hình thành và được biết đến rộng rãi như ngày nay
[2].
Dù
vậy, phân chia luật công, luật tư đến nay vẫn còn nhiều tranh luận. Ngay cả ở
các quốc gia thuộc truyền thống pháp luật châu Âu lục địa, cách phân loại nhiều
lĩnh vực/ngành luật cụ thể thành luật công hay luật tư vẫn chưa thực sự thuyết
phục, thiếu sự đồng thuận. Khác biệt quan điểm, nhận thức về vai trò, giá trị cốt
lõi của pháp luật, thứ tự ưu tiên bảo vệ lợi ích trong bối cảnh, điều kiện cụ
thể hay mục tiêu mà xã hội/cộng đồng theo đuổi… gây không ít khó khăn cho việc
phân loại luật công/luật tư của dòng pháp luật châu Âu Lục địa.
“Hiến
pháp hóa luật tư” hay “Hiệu lực của quyền hiến định trong lĩnh vực luật tư” đang
là chủ đề có tính thời sự và nhận được sự quan tâm của giới hàn lâm [3]. Luật
tư thường được coi là địa hạt của lợi ích tư, gắn với các nguyên tắc cơ bản là bình
đẳng, tự do thỏa thuận, tự do ý chí, phân quyền pháp lý và sự can thiệp hay xâm
lấn của hiến pháp nói chung hay các quyền hiến định nói riêng (là đại diện/địa
hạt của luật công) sang các vấn đề của lĩnh vực luật tư được cho là không phù hợp
và trái với tư duy hay lý thuyết phân loại công, tư. Nhưng, không ít quan điểm
cho rằng, sự tác động hay hiệu lực của các quy định của hiến pháp/quyền hiến định
sang luật tư là cần thiết, hợp lý và ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới
hiện đại [4]. Để củng cố cho xu thế hợp lý này, nhiều học giả đã nỗ lực luận giải
sự cần thiết, tìm giải pháp, xác lập mô hình, điều kiện cho sự tác động hay hiệu
lực của hiến pháp sang luật tư.
Bài
viết này sẽ làm rõ thêm các khía cạnh lịch sử phát triển của tư duy phân chia
luật công, luật tư, phân tích một số khía cạnh của các tiêu chí phân loại, xem
xét một số lý thuyết nghiên cứu tác động của các quyền hiến định sang lĩnh vực
luật tư và trên cơ sở phương pháp luận duy vật lịch sử cũng như nhận thức về
vai trò của hiến pháp, pháp luật trong thời đại pháp quyền, bài viết đánh giá,
lập luận để đưa ra quan điểm, gợi mở về phân loại lĩnh vực pháp luật và đổi mới
nhận thức về cấu trúc hệ thống pháp luật trong bối cảnh mới ở Việt Nam trong
giai đoạn hiện nay.
2. Khái lược lịch sử tư
duy phân loại luật công, luật tư
Nền
móng đầu tiên cho tư duy phân định luật công, luật tư được xây dựng bởi các nhà
tư tưởng, luật gia La Mã và Hy Lạp cổ đại. Ulpian, luật gia La Mã cổ đại, người
được biết đến rộng rãi với nhận định rằng: “Publicum
ius est, quod ad statum rei Romanae spectat, privatum quod ad singulorum
utilitatem” [5] có nghĩa “luật công
là những gì liên quan đến lợi ích của nhà nước La Mã, luật tư là những gì liên
quan đến lợi ích của lợi ích của công dân”. Theo ông, “Luật tư được chia làm ba phần, đó là những quy định của tự nhiên hoặc
là các quy định của các dân tộc hoặc là các quy định của các công dân” [6].
Điều
này đã được biết đến rộng rãi trong giới luật học. Tuy nhiên, cơ sở khoa học,
tiêu tiêu chí phân loại vẫn còn là những vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Tư duy
phân loại thời kỳ cổ đại chủ yếu dựa trên quan sát, chiêm nghiệm thực tiễn của
thời kỳ đó và thiếu đi những cơ sở khoa học hoặc cách tiếp cận mang tính lý luận
hàn lâm trong khi bản chất của phân loại công tư lại mang tính nhận thức và đậm
chất hàn lâm. Nếu lấy lợi ích được lĩnh vực pháp luật bảo vệ làm tiêu chí phân
loại thì không chỉ đến nay, mà từ rất xa xưa, rất khó có thể phân chia rành mạch
và thuyết phục được những lĩnh vực pháp luật nào thuộc luật công và những lĩnh
vực nào thuộc luật tư. Lợi ích thì luôn đan xen, sự thỏa hiệp lợi ích, thỏa hiệp
giữa cái chung và cái riêng nhiều khi là giải pháp tìm kiếm sự đồng thuận nhằm
xây dựng nên các quy tắc pháp luật trong xã hội vốn đa dạng, phức tạp. Trong lợi
ích chung có lợi ích riêng và ngược lại. Pháp luật được đặt ra đôi khi là để
hài hòa các lợi ích và bảo vệ được tối đa các lợi ích trong xã hội. Phản biện
tư duy phân loại dựa trên lợi ích của Ulpian đã có nhiều quan điểm, lập luận
thuyết phục và trong khuôn khổ bài viết này tác giả chia sẻ sự đồng tính với những
ý kiến, lập luận đó [7].
Ngoài
ra, ở thời kỳ La Mã cổ đại khó có thể nói đến sự phát triển của luật công. Tất
cả những gì chúng ta thấy và thừa hưởng từ La Mã cổ đại chủ yếu là những thành
tựu của lĩnh vực luật tư. Thời cổ đại, Hoàng Đế và Nhà thờ là nguồn gốc của luật
công và vì vậy, thảo luận, phản biện các quy tắc của luật công là điều rất khó [8].
Lý
thuyết về sự phân định luật công, luật tư thực sự được khởi xướng và thúc đẩy cùng
với sự ra đời của Trường phái pháp luật tự nhiên cổ điển vào thế kỷ XVII, XVIII
ở châu Âu lục địa. Để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người, các nhà tư tưởng
của học thuyết này đã đề xuất những cách thức tiếp cận mới liên quan đến công
quyền nhằm bảo vệ các quyền tự nhiên của con người. Họ cho rằng, bên cạnh luật
tư của La Mã cổ đại đang được phục hưng ở các trường đại học, các học giả cần
phải thiết lập các nguyên tắc, quy tắc, chế định mới trong lĩnh vực công để có
thể kiểm soát được quyền lực và qua đó bảo vệ được tự do, nhân phẩm và quyền của
con người [9]. Những nhà tư tưởng của của trường phái pháp luật tự nhiên cổ điển
đã không có đóng góp gì mới về luật tư, mà họ chỉ chi tiết hóa hệ thống có từ
thời La Mã, làm cho nó hiện đại hơn, nhưng họ lại đóng góp rất lớn cho sự ra đời
và truyền tải ý niệm mới về luật công. Thực chất, ngay trong số các nhà tư tưởng
của trường phái pháp luật tự nhiên cổ điển đã chia làm hai nhóm: nhóm nghiên cứu
về luật tư và nhóm những nhà tư tưởng triết học về luật công. Luật công vì vậy
đã thực sự đã trở thành lĩnh vực của luật học bên cạnh luật tư là nhờ vào sự
đóng góp của các nhà tư tưởng của trường phái pháp luật tự nhiên cổ điển.
Như
vậy, nếu luật tư được phát triển bởi các luật gia thực tiễn và các nhà luật học
thực thụ, thì luật công lại được phát triển bởi các nhà tư tưởng chính trị và gắn
với chính trị học.
Trở
lại với tư duy phân loại của Ulpian, có thể thấy, Ulpian phân loại dựa trên lợi
ích mà pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân loại luật tư, luật
công không có quá nhiều ý nghĩa thực tiễn, do những luật sư, thẩm phán hay các
luật gia hành nghề… thường ít dành quan tâm đến việc phân loại công, tư [10] …
Tư duy phân loại công tư có ý nghĩa nhiều hơn về mặt nhận thức, học thuật và tổ
chức hệ thống. Từ góc độ này, tư duy phân loại luật công, luật tư của Trường
phái pháp luật tự nhiên cổ điển là hợp lý và phù hợp. Theo họ, pháp luật có mục
tiêu cao nhất là bảo vệ, bảo đảm các quyền, tự do và nhân phẩm của con người.
Vì mục tiêu tối thượng đó, nên cần phân chia pháp luật ra làm hai loại để có
hai cách ứng xử khác nhau nhằm đạt được mục tiêu. Vì vậy, pháp luật cần chia
thành luật công và luật tư.
Luật
tư có nguồn gốc tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu chính yếu của con người, xã hội,
được tập hợp lại, thừa nhận là các quy tắc ứng xử chung và vì thế nên luật tư thừa
nhận sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận để bảo vệ, bảo đảm quyền, tự do và lợi
ích chính đáng của mình. Công quyền chỉ can thiệp vào địa hạt của luật tư khi
các chủ thể vì bảo vệ lợi ích tư, quyền cá nhân mà xâm hại đến trật tự công, lợi
ích công hoặc các các chủ thể tư cần đến sự can thiệp hay phân xử của công quyền.
Luật
công không có nguồn gốc tự nhiên mà mang tính nhân tạo, do các chủ thể công quyền,
các nhóm lợi ích, các cộng đồng tạo dựng ra để tổ chức, vận hành và nắm giữ quyền
lực chính trị, bảo vệ lợi ích, trật tự công. Ngược lại với luật tư, nơi mà từ
quan hệ tạo ra quy phạm, trong lĩnh vực luật công phải tạo ra quy phạm để có được
quan hệ và điều chỉnh quan hệ. Trong mối quan hệ đó, địa hạt trung tâm của luật
công là quyền lực nhà nước. Vì có quyền lực nhà nước nên chủ thể nắm giữ nó rất
dễ lạm dụng để tư lợi và vì vậy có nguy cơ lớn và thường trực xâm hại quyền, tự
do và lợi ích chính đáng của con người. Xuất phát từ lý do đó, cần đưa các quy
phạm, chế định đó vào một nhóm gọi là luật công để đưa ra cách thức ứng xử cho
phù hợp nhằm bảo vệ hiệu quả quyền, tự do và lợi ích của con người/cá nhân
trong mối tương quan với công quyền và lợi ích công. Các nguyên tắc của luật
công vì thế phải khác với luật tư và phải làm sao bên nắm giữ quyền lực, nhân
danh quyền lực phải bị kiểm soát để người dân có thể ở địa vị ngang bằng hơn
trong đàm phán, thảo luận, bảo vệ các quyền, quyền lợi của mình và ngăn ngừa sự
lạm dụng, xâm hại từ phía công quyền.
Ngoài
các quan điểm chính của Ulpian và các nhà tư tưởng của Trường phái pháp luật tự
nhiên, lịch sử phát triển tư duy phân định luật công và luật tư trong suốt chiều
dài từ Cổ đại đến thời kỳ Khai sáng, Cận đại còn có rất nhiều cách tiếp cận
phân loại khác nhau. Có thể khái quát và nhóm lại ở những quan điểm, tư tưởng
chính sau đây [11]:
-
Nhóm các quan điểm phân loại luật công và luật tư dựa trên nội dung hay còn gọi
là “Lý thuyết tiếp cận nội dung” [12].
Đây là nhóm có số lượng đông nhất, bao gồm nhiều quan điểm, tư tưởng từ thời cổ
đại cho đến tận ngày nay. Theo nhóm này, luật công và luật tư khác nhau ở lợi
ích công và lợi ích tư. Luật công phụng sự lợi ích công, còn luật tư bảo vệ lợi
ích, quyền lợi tư.[1]
Cùng theo thuyết tiếp cận nội dung, nhưng các nhà khoa học, nhà tư tưởng của
nhóm này cũng có nhiều quan điểm không đồng nhất. Chẳng hạn, nhà khoa học người
Nga Petrazhisky L.I, cha đẻ của trường phái tâm lý học pháp luật, thì cho rằng,
việc phân định luật công hay luật tư phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của chủ
thể pháp luật. Ông cũng đồng tình với việc dựa trên yếu tố lợi ích, nhưng nó là
lợi ích công hay lợi ích tư thì không do khách quan quyết định mà là do nhận thức
chủ quan của chủ thể có quyền [13]. Còn Meyer D.I[2]thì
cho rằng, luật tư điều chỉnh lợi ích vật chất của các cá nhân riêng lẻ, trong
khi đó, những lợi ích phi vật chất của các cá nhân lại nằm trong phạm vi điều
chỉnh của luật công...[14]
-
Nhóm các quan điểm phân loại luật công và luật tư dựa trên tiêu chí hình thức
hay còn gọi là “Lý thuyết tiếp cận hình
thức”. Đây là nhóm cũng có sự phân hóa rất lớn về quan điểm và những lý giải
dù cùng đồng thuận ở cái gọi là lý thuyết tiếp cận hình thức. Điểm chung của tất
cả những quan điểm của nhóm này là ở chỗ họ cho rằng cơ sở để phân chia luật
công và luật tư chính là phương thức hay
cách thức điều chỉnh hoặc thiết lập các quan hệ pháp luật.
Một
số nhà khoa học thì cho rằng, việc phân chia luật công và luật tư không phải dựa
trên lợi ích mà nó bảo vệ hay điều chỉnh mà phụ thuộc vào việc luật trao cho chủ
thể nào quyền đưa ra sáng kiến hay khởi động
quy trình bảo vệ lợi ích bị xâm hại[3]. Nếu
cơ quan nhà nước (các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền) được trao quyền khởi
xướng trình tự bảo vệ lợi ích bị xâm hại mà không phụ thuộc vào ý chí của ai
hay lợi ích của chủ thể nào đang bị xâm hại và được thực hiện theo trình tự của
tố tụng hình sự hay tố tụng hành chính thì đó là luật công, ngược lại, nếu pháp
luật trao quyền khởi kiện cho chủ thể mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị
xâm hại và thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự thì đó là luật tư [15].
Nhóm
khác lại cho rằng việc phân định luật công, luật tư phụ thuộc vào vị trí của chủ
thể pháp luật. Nếu chủ thể là cá nhân với tư cách là cá thể độc lập thì đó là
luật tư, còn khi chủ thể là thành viên của một xã hội hay cộng đồng có tổ chức
thì đó là luật công [16]. Một số nhà tư tưởng thì lại lấy chính quan hệ pháp luật
làm cơ sở để phân chia, trong khi những người khác lại lấy quan hệ pháp luật và
địa vị của chủ thể trong quan hệ pháp luật để làm cơ sở cho sự phân loại. Nếu
chủ thể có quyền lực nhà nước và có khả năng áp đặt ý chí của mình lên chủ thể
khác theo hướng từ trên xuống thì đó là luật công, còn nếu các chủ thể có quan
hệ bình đẳng với nhau trong quan hệ pháp luật thì đó là luật tư [17].
Một
số quan điểm khác lại lấy tính chất “phân quyền pháp lý” hay “tập quyền pháp
lý” trong điều chỉnh quan hệ pháp lý để phân định luật công hay luật tư. Theo
đó, luật tư có thuộc tính là phân quyền pháp lý bởi tính đa dạng, đa trung tâm
của các chủ thể và bình đẳng về quyền, địa vị, trong khi đó, luật công lại có
thuộc tính “tập quyền pháp lý” với một trung tâm của hoạt động điều chỉnh pháp
luật chính là nhà nước và mối quan hệ theo chiều dọc, hướng tâm [18].
-
Nhóm hỗn hợp hay lý thuyết hỗn hợp.
Những người theo lý thuyết này cho rằng, việc phân chia luật công và luật tư phải
dựa trên cả tiêu chí về nội dung (lợi ích, quyền lợi…) và tiêu chí về hình thức
(phương thức điều chỉnh hay xây dựng các quan hệ pháp luật…). Chẳng hạn,
Jhering trong công trình phân tích lý thuyết về các quyền trong lĩnh vực tư đã
dùng cả tiêu chí lợi ích tư (tiêu chí về nội dung) và tiêu chí sáng quyền bảo vệ
quyền, lợi ích tư bị xâm hại (quyền khởi kiện dân sự, tiêu chí hình thức) để
phân định luật công và luật tư [19].
Hiện
nay, quan điểm hỗn hợp này cũng tương đối phổ biến. Ở Việt Nam hiện đã dành sự
quan tâm nhiều hơn cho việc phân loại luật thành luật công và luật tư, nhưng về
tiêu chí phân loại lại khá thống nhất khi chủ yếu dựa vào đối tượng hay tính chất
của quyền lợi (tiêu chí nội dung) và phương pháp (tiêu chí hình thức) mà ngành
luật ấy điều chỉnh [20].
Như
vậy, tư duy phân chia luật công, luật tư đã có một lịch sử khá dài với nhiều
tranh luận ở nhiều giai đoạn lịch sử và ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc
gia thuộc truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa. Nhưng, như đã khẳng định, cho
đến nay vẫn chưa có lý thuyết hay cách tiếp cận nào nhận được sự đồng thuận tuyệt
đối và thuyết phục hơn cả. Những tranh luận hay phản biện cho từng lý thuyết,
cách tiếp cận đã được trình bày ở rất nhiều các công trình khác nhau [21], và
được cho là khá thuyết phục.
Do
ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Viễn Đông và sau đó là tư tưởng pháp luật
Xô Viết nên tư duy phân định luật công và luật tư ở Việt Nam ít nhận được sự
quan tâm. Sự ảnh hưởng của pháp luật Pháp tới nước ta ở một giai đoạn lịch sử
nhất định đã đem đến cho người Việt tư duy phân loại đó, nhưng rồi cũng nhanh
chóng qua đi cùng với tiến trình tiếp nhận tư tưởng pháp luật Xô Viết [22]. Gần
đây, cùng với công cuộc đổi mới, hội nhập, cải cách pháp luật và xây dựng Nhà
nước pháp quyền XHCN, phân định luật công, luật tư dường như cho thấy sự cấp
thiết trong bối cảnh mới và đang được thảo luận ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam.
3. Phân chia luật công,
luật tư trong thời đại pháp quyền và những tác động đến hiệu lực của quyền hiến
định trong lĩnh vực luật tư ở Việt Nam
Dù
còn nhiều tranh luận, nhưng giới luật học cơ bản thống nhất rằng, luật hiến
pháp, luật hành chính, luật hình sự là các lĩnh vực của luật công, còn luật dân
sự, luật thương mại là những lĩnh vực điển hình của luật tư. Tuy vậy, việc xếp
loại những lĩnh vực pháp luật khác của hệ thống pháp luật, như luật đất đai, luật
tài chính, luật an sinh xã hội, luật môi trường...lại chưa có được sự đồng thuận
như thế.
Điều
này cho thấy cách tiếp cận trong việc phân loại đang có những vấn đề của nó và
cần có sự nhận thức lại cho hợp lý hơn, đặc biệt trong bối cảnh pháp quyền. Trước
khi đi đến cách tiếp cận riêng về phân chia luật công, luật tư, tác giả cho rằng:
Trước hết, lịch
sử hình thành và phát triển của tư duy phân loại luật công và luật tư có thể
chia là ba thời kỳ chính: Cổ đại, Cận đại và Thời đại pháp quyền hiện đại.
Ở
thời kỳ Cổ đại, pháp luật thiếu sự thống nhất và thực chất không phải là một hệ
thống theo đúng nghĩa của nó. Dựa trên nguồn gốc, lợi ích mà pháp luật đó bảo vệ
hoặc cách thức điều chỉnh quan hệ pháp luật, người ta nhận thấy rằng có hai loại
luật là luật tư (xuất phát từ đời sống mà tạo thành quy phạm, bảo vệ lợi ích tư
và dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tự do ý chí, tự do thỏa thuận) và luật
công (xuất phát từ ý chí của Hoàng Đế, nhà cầm quyền hoặc Giáo hội, có tính quyền
lực, áp đặt, bất bình đẳng và bảo vệ lợi ích nhà cầm quyền, lợi ích công, trật
tự công).
Thời
kỳ Cận đại, cùng với sự ra đời và phát triển của lý thuyết pháp luật tự nhiên cổ
điển, theo đó, trung tâm và mục đích tối thượng của luật pháp là quyền tự nhiên
của con người. Vì vậy, các nhà tư tưởng của lý thuyết này đã đề xuất những
nguyên lý mới, nguyên tắc, mô hình mới trong tổ chức quyền lực với mục tiêu kiểm
soát, giới hạn và phân chia quyền lực để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người.
Từ đó, luật công đã có được xung lực mới phát triển mạnh mẽ trong toàn bộ châu
Âu lục địa. Cùng với những cống hiến, thành tựu hồi sinh và phát triển luật tư
của các trường phái Học sư, Hậu học sư, Nhân văn giai đoạn Phục hưng, luật học
châu Âu lục địa được biết đến với sự phân chia luật công, luật tư nhưng ở cách
tiếp cận khác. Luật công là các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên
quan đến công quyền, trật tự công, lợi ích công và vì công quyền – chủ thể pháp
luật chính của luật công có quyền lực rất lớn và có khả năng áp đặt các chủ thể
khác nên nếu quyền lực không được kiểm soát, phân chia thì rất dễ lạm quyền, vi
phạm nhân quyền. Để bảo đảm nhân quyền, lĩnh vực luật công được thiết kế rất riêng
bao gồm các nguyên tắc giới hạn, kiểm soát, phân chia quyền lực, công quyền chỉ
được làm những gì pháp luật cho phép... Còn luật tư, do xuất phát từ ý chí dân
chúng nên có đặc thù là gắn với lợi ích tư, bình đẳng, tự do ý chí, tự do thỏa
thuận vì vậy, để bảo đảm quyền con người và tự do ý chí, lĩnh vực luật tư được
thiết kế các nguyên tắc khác biệt với luật công, mang tính tự trị, tự do thỏa
thuận, bình đẳng và hạn chế sự can thiệp của công quyền nếu không có lý do
chính đáng.
Tuy
nhiên, ở thời kỳ cận đại, dù đã biết đến học thuyết khế ước xã hội, phân chia,
kiểm soát, đối trọng quyền lực và tinh thần tự do, dân chủ, nhân quyền, nhưng ý
niệm về vị trí, vai trò của hiến pháp trong hệ thống pháp luật chưa thật sự rõ.
Những bản hiến pháp đầu tiên gần như là văn bản về tổ chức, vận hành, kiểm soát
quyền lực nhà nước. Ý niệm coi hiến pháp là luật gốc, hiện thân của chủ quyền
nhân dân với hiệu lực pháp lý cao nhất và là trung tâm, nền tảng của cả hệ thống
pháp luật chưa thật sự rõ ràng. Ở một số quốc gia còn coi hiến pháp là văn bản
về tổ chức quyền lực, do cơ quan quyền lực nhà nước làm ra. Hiến pháp đôi khi
là nguồn cơ bản và quan trọng nhất của “Luật Nhà nước”. Cho đến nay, nhiều người
vẫn cho rằng hiến pháp chỉ là nguồn của luật công, còn Bộ Luật dân sự là “Hiến
pháp của luật tư”. Có nghĩa là, mỗi lĩnh vực pháp luật có một trung tâm của
mình: Hiến pháp – Trụ cột hay nền tảng của luật công, Bộ luật Dân sự -Trụ cột
hay nền tảng của luật tư.
Như
vậy, khái quát lịch sử phát triển của tư duy phân chia luật công và luật tư cho
thấy, do bối cảnh lịch sử khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nên dẫn đến nhận
thức về phân chia luật công và luật tư có khác nhau dù rằng vẫn hiện hữu tư duy
phân chia luật công và luật tư ở truyền thống pháp luật châu Âu lục địa. Nhưng
cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, sự phát triển của thời đại pháp quyền,
vị trí, vai trò, sứ mệnh của hiến pháp như là luật gốc, trụ cột, nền tảng của cả
hệ thống pháp luật, là hiện thân của chủ quyền nhân dân đã được định vị lại một
cách chính xác thì cách tiếp cận và tư duy phân loại luật công và luật tư cũng
cần được nhìn nhận lại cho thực sự khách quan và khoa học.
Thứ hai,
ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, bản chất và mục đích của pháp luật là không
giống nhau. Ngày nay, pháp luật phải luôn phải là một thể thống nhất. Tính hệ
thống của pháp luật giúp pháp luật có một trật tự logic, có tính thứ bậc, hiệu
lực và khả thi. Vì vậy, trung tâm của hệ thống pháp luật, trụ cột hay xương sống
của hệ thống pháp luật hiện đại chỉ có thể là một – đó chính là Hiến pháp. Hiến
pháp là luật gốc, là nền tảng, cơ sở của hệ thống pháp luật quốc gia/vùng lãnh
thổ. Hiến pháp của các nền dân chủ phát triển là hiện thân của ý chí, chủ quyền
nhân dân, thiết lập quy tắc, nguyên tắc pháp lý chung cho cả cộng đồng, làm nền
tảng cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Vì vậy, dù luật tư có là lĩnh vực pháp luật
mang tính tự nhiên nhất, là hệ quả của sự phát triển tự nhiên từ các quy tắc cộng
đồng đi chăng nữa, nó vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc chung của “Luật cơ bản”
hay “Luật gốc”.
Hiến
pháp có nội dung điều chỉnh liên quan đến quyền lực nhà nước, nhưng không đồng
nghĩa với việc nó chỉ là nguồn của luật công, chỉ điều chỉnh các quan hệ công
quyền. Hiến pháp xác lập các giá trị, nguyên tắc chung cho tất cả hệ thống pháp
luật, giao cho nhà nước những quyền năng và nghĩa vụ để bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy
quyền con người, bảo đảm sự tiến bộ và phát triển bền vững của đất nước/cộng đồng/xã
hội. Hiến pháp xác lập những nguyên tắc để giải quyết xung đột giữa công và tư,
xác định các trường hợp ưu tiên trong bảo vệ, do đó, nó tuyệt nhiên không phải
chỉ là nguồn của lĩnh vực luật công mà là trung tâm và là luật gốc của toàn bộ
hệ thống pháp luật của quốc gia hay vùng lãnh thổ.
Như
vậy, Hiến pháp không phải chỉ là nguồn của luật công mà còn là trung tâm của
toàn bộ hệ thống pháp luật, là luật gốc, nền tảng cho cả luật công và luật tư,
là rường cột tạo nên sự thống nhất cho cả hệ thống pháp luật hiện đại. Điều này
càng đúng đắn và phù hợp trong triết lý pháp quyền bởi sự tối thượng của pháp
luật đòi hỏi sự tối thượng của hiến pháp dù ở bất kỳ dạng thức tồn tại nào đi
chăng nữa.
Thứ ba,
có câu hỏi đặt ra là “Hiến pháp có phải là nguồn của luật tư, có bản chất của
luật tư không?” Một số quan điểm xuất phát từ bản chất “khế ước xã hội” của hiến
pháp mà cho rằng, hiến pháp là thỏa thuận giữa những người bình đẳng và tự do để
tạo ra các quy tắc chung cho cộng động, do đó hiến pháp mang bản chất của luật
tư?!
Về
bản chất, hiến pháp pháp quyền phải là sản phẩm của thỏa thuận, là một khế ước
[23], nhưng đây không phải là một khế ước dân sự thông thường mà là sự đồng thuận
xã hội hay sự hiệp thương của toàn xã hội về mặt lợi ích để bảo đảm sự tồn tại
và phát triển bền vững của cả cộng đồng. Hiến pháp là sự thỏa hiệp, cùng nhau tìm
ra giải pháp hay quy tắc chung để gìn giữ hòa bình, giải quyết sự xung đột giữa
lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, giữa cái chung và cái riêng, cùng định vị
những giá trị chung của cộng đồng mà cần cùng nhau gìn giữ, phát triển. Văn bản
này không đơn thuần là bản thỏa thuận để thỏa mãn chỉ mình lợi ích tư hay lợi
ích của mỗi cá nhân. Bởi, trong một cộng đồng người cùng nhau thảo luận để đi đến
thống nhất, có những chủ thể đấu tranh chỉ vì lợi ích tư nhưng cũng có những chủ
thể đấu tranh vì lợi ích chung mà không nghĩ đến lợi ích cá nhân và tất nhiên
cũng có cả những tổ chức, cá nhân vừa nghĩ đến lợi ích chung nhưng cũng nghĩ đến
lợi ích riêng và ngược lại. Trong quá trình thỏa hiệp đó, cuối cùng, họ đạt được
sự đồng thuận hay sự thỏa hiệp và vì vậy hiến pháp đã ra đời nên trong đó có cả
những giá trị chung, lợi ích chung, những thiết chế công quyền, quyền lực nhà
nước, nguyên lý tổ chức, vận hành quyền lực, nhưng cũng có những nguyên tắc,
quy tắc, giá trị bảo đảm sự bình đẳng, tự do ý chí và lợi ích của từng cá nhân.
Hiến pháp là một thỏa thuận hay khế xã hội, không phải là một thỏa thuận dân sự
riêng lẻ và vì vậy, nó vừa có tính chất của một sự thỏa thuận của những người
bình đẳng nhưng mục đích thì bảo vệ cả những giá trị chung, lợi ích chung và lợi
ích tư, bảo vệ, bảo đảm quyền, tự do, nhân phẩm nhưng đặt trong sự cân bằng bền
vững với trật tự công, lợi ích công của cả cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Do đó,
hiến pháp không chỉ là trụ cột của riêng luật công cũng không phải chỉ là trụ cột
của luật tư. Hiến pháp là của tất cả, của cả luật công và luật tư.
Thứ tư,
pháp luật tối thượng hay nền pháp quyền hiện đại có mục đích cao nhất là quyền,
tự do và nhân phẩm của con người. Đó là nguyên do tại sao trong hiến pháp hiện
đại, quyền con người luôn là nội dung quan trọng và cơ bản. Hiến định các quyền
con người đồng nghĩa với việc người dân chỉ đích danh những quyền nào là cơ bản
mà nhà nước như một chủ thể phái sinh từ hiến pháp phải có nghĩa vụ và trách
nhiệm bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy.
Sở
dĩ khẳng định mục tiêu chính của pháp quyền hay nhà nước pháp quyền chính là
nhân quyền là bởi, vì cần bảo vệ, bảo đảm nhân quyền nên mới cần pháp quyền với
các yêu cầu phân quyền, kiểm soát quyền lực, độc lập tư pháp, bảo hiến... Bởi
suy cho cùng, tất cả những điều đó cũng là hướng đến mục tiêu tối thượng là bảo
vệ, bảo đảm nhân quyền. Điều này có
nghĩa, giá trị và mục tiêu cao nhất của pháp luật chính là nhân quyền. Hiến
pháp phải có nội dung chính là bảo vệ, bảo đảm nhân quyền một cách bền vững. Các
quyền con người được hiến định là các quyền cơ bản và gắn với con người trong
toàn bộ đời sống của họ ở bất kỳ tư cách nào: cá nhân đơn lẻ hay thành viên của
cộng đồng nhất định. Với vị trí, vai trò của mình, Hiến pháp ghi nhận các
nguyên tắc ứng xử chung, các quyền cơ bản để làm nền tảng cho cả hệ thống pháp
luật. Vì lẽ đó, các quyền hiến định và bảo vệ, bảo đảm hay thực hiện các quyền
hiến định sẽ được ghi nhận, diễn giải hoặc cụ thể hóa ở các văn bản pháp luật
dưới hiến pháp.
Sở
dĩ ở nước ta gần đây việc bàn luận nhiều hơn về các quyền hiến định và hiệu lực
của nó trong lĩnh vực luật tư là bởi Việt Nam đã thừa nhận các quyền con người
cơ bản và ghi nhận chúng trong hiến pháp. Điều này vừa phù hợp với bối cảnh hội
nhập, nhưng quan trọng hơn là phù hợp với định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN ở nước ta trong giai đoạn mới [24].
Thứ năm,
nhân quyền vừa là giá trị nhưng đồng thời cũng là mục tiêu cao nhất của pháp luật
hiện đại. Là một giá trị, nhưng nhân quyền lại được nhận thức không đồng nhất. Ở
phương Tây, dưới tác động của triết học, tôn giáo, văn hóa, truyền thống, lối
tư duy, nhân quyền thường theo hướng cá thể. Quyền con người được nhận diện
mang bản sắc quyền của cá thể nhiều hơn, trong khi đó, ở phương Đông nhân quyền
không hẳn là quyền cá nhân mà là sự tổng hòa giữa cá nhân, cộng đồng, quốc gia
và dân tộc [25]. Vì điều này, nên ở một số khu vực hay nền pháp luật khác nhau,
dù rằng đó là quyền con người nhưng nhà làm luật hay công quyền vẫn có thể can
thiệp hoặc tác động tới vì trong đó có yếu tố lợi ích công. Tuy nhiên, nếu
không có một nền tảng pháp lý mang tính chất rường cột mà để các yếu tố văn
hóa, truyền thống chi phối quá lớn có thể dẫn đến sự lệch lạc: Hoặc quá thiên về
tư mà mất đi các giá trị cộng đồng, lợi ích công hoặc quá thiên về công mà dẫn
đến xâm hại đến quyền lợi tư, tạo cơ sở cho sự lạm dụng, vi phạm nhân quyền. Trong
bối cảnh đó, cần có một trụ cột duy nhất đó chính là hiến pháp với những giá trị,
nguyên tắc đã được đồng thuận hay thỏa hiệp.
Thứ sáu,
“Hiến pháp” và “Luật hiến pháp” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không phải
đồng nhất với nhau. Hiến pháp là nguồn của ngành Luật hiến pháp, là hình thức của
luật và thường tồn tại dưới dạng văn bản thành văn, là luật thực định được chủ
thể có thẩm quyền tạo ra theo trình tự lập hiến. Luật Hiến pháp là lĩnh vực
pháp luật, là nội dung của luật nhưng lại là sản phẩm của nhận thức hàn lâm chứ
không phải là sản phẩm của chủ thể có thẩm quyền như hiến pháp. Luật Hiến pháp
là lĩnh vực chứa rất nhiều quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến
tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước như tổ chức chính quyền, bộ máy nhà nước,
bầu cử, chế độ công dân, các quyền cơ bản… Vì do là sản phẩm của nhận thức hàn
lâm nên Luật Hiến pháp có thể được xếp vào nhóm luật công, nhưng Hiến pháp thì
không phải vậy. Phân chia luật công và luật tư là sản phẩm của tư duy phân loại,
tư duy hàn lâm và vì vậy, nếu đưa luật hiến pháp vào luật công thì có cùng hệ
quy chiếu, nhưng đưa Hiến pháp vào luật công thì lại không do Hiến pháp là hình
thức của pháp luật, là văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành và mang bản chất
luật gốc, luật cơ bản của cả hệ thống pháp luật và có địa vị pháp lý tối thượng.
Nội dung của hiến pháp là nền tảng cho toàn bộ hệ thống pháp luật của quốc gia/vùng
lãnh thổ. Vì vậy, sự tác động của các quy tắc hiến định đến luật tư là lẽ hiển
nhiên và không có vướng mắc gì về triết lý và logic. Hiến pháp không chỉ là bộ
phận hay chỉ thuộc lĩnh vực của luật công.
Từ
những nhận thức trên, có thể thấy tư duy phân loại luật công và luật tư là sản
phẩm của nhận thức hàn lâm, có ý nghĩa cho nhận thức, đào tạo, khoa học. Đến lượt
mình, tư duy đó cũng có những tác động trở lại đến hoạt động xây dựng và thực
hiện pháp luật. Tuy nhiên, do là sản phẩm của nhận thức, tư duy phân chia luật
công, luật tư chịu sự chi phối bởi bối cảnh lịch sử cụ thể và không ảnh hưởng đến
vị trí của hiến pháp trong hệ thống pháp luật hiện đại. Quy định của hiến pháp
có thể tác động đến toàn bộ hệ thống pháp luật và, vì vậy, sự tác động của quyền
hiến định đến luật tư là hiển nhiên và chính đáng.
Nhưng,
để phòng ngừa sự can thiệp thái quá và đôi khi là tùy tiện của công quyền đến các
quan hệ tư nhằm góp phần bảo đảm quyền tự định đoạt, sự tự do của đời sống dân
sự, kinh doanh, thương mại và của xã hội công dân, việc làm rõ giới hạn tác động
của công quyền lên quan hệ tư là cần thiết, phù hợp và chính đáng trong bối cảnh
Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện nhận thức về pháp quyền của đại bộ phận công
quyền, dân chúng còn hạn chế và sự lạm quyền của công quyền có nguy cơ ngày càng
cao đối với các vấn đề của đới sống tư dưới danh nghĩa chính đáng của những “định
hướng”, “mục tiêu chiến lược..”…hay văn hóa “vị công” ở Việt Nam hiện nay.
Trên
cơ sở những phân tích trên, tác giả cho rằng, tư duy phân chia luật công và luật
tư vẫn có giá trị rất lớn trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là
trong giai đoạn Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
XHCN. Trong bối cảnh đó, tư duy phân chia luật công, luật tư cần được thống nhất
ở một số điểm cơ bản sau:
1)
Trong xã hội hiện đại, hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ
không thể chia ra thành hai lĩnh vực tách biệt tồn tại song hành nhau là luật
công và luật tư mà phải là một chỉnh thể thống nhất và có mối liên hệ logic, biện
chứng và hữu cơ với nhau. Trong thời đại pháp quyền, các giá trị, nguyên tắc,
quy định của hiến pháp phải là cơ sở, nền tảng và trụ cột của toàn bộ hệ thống
pháp luật. Xét trên bình diện hệ thống, Hiến pháp là trụ cột của toàn bộ hệ thống
pháp luật và có hiệu lực cao nhất. Việc phân chia pháp luật ra làm hai lĩnh vực:
luật công và luật tư mang tính chất hàn lâm, có ý nghĩa về nhận thức và khoa học.
Từ khía cạnh này, Luật hiến pháp với tư cách là ngành/lĩnh vực pháp luật (cũng
là sản phẩm của nhận thức hàn lâm) có thể được xếp vào luật công, còn Hiến pháp
với tư cách là Luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất thì không thể xếp vào
lĩnh vực luật công hay luật tư. Việc đồng nhất Hiến pháp và Luật Hiến pháp có
thể dẫn tới những nhận định chủ quan về tư duy phân định luật công, luật tư và
sự tác động của quyền hiến định đến luật tư. Trong thời đại pháp quyền, các quy
định, nguyên tắc của hiến pháp hoàn toàn có thể được vận dụng để giải quyết các
quan hệ tư bởi đơn giản các quy định đó nằm ở đỉnh cao nhất trong thang bậc của
hệ thống pháp luật quốc gia.
2)
Luật công là các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến xác lập,
tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước; xác lập, bảo vệ và bảo đảm trật tự
công, lợi ích công; các nguyên tắc chủ đạo
của luật công là dân chủ, giới hạn, kiểm soát, phân chia quyền lực, công khai,
minh bạch, trách nhiệm giải trình, công quyền chỉ được làm những gì pháp luật
cho phép. Luật tư là các lĩnh vực pháp luật là gắn với điều chỉnh các quan hệ
nhằm thúc đẩy đời sống dân sự, kinh doanh, thương mại và bảo vệ, bảo đảm lợi
ích tư, bình đẳng, tự do ý chí, tự do thỏa thuận vì vậy, để bảo đảm quyền con
người và tự do ý chí; các nguyên tắc của luật tư mang tính tự trị, tự do ý chí,
tự do thỏa thuận, bình đẳng và hạn chế sự can thiệp của công quyền nếu không có
lý do chính đáng (được hiến định). Sự phân chia luật công và luật tư ngày nay
càng có ý nghĩa trong bối cảnh pháp quyền bởi nó giúp cho việc phân định rõ
cách ứng xử phù hợp để bảo vệ, bảo đảm các quyền, tự do và nhân phẩm của con
người trong từng loại quan hệ cụ thể.
3)
Sự hiện diện hay tác động của các quyền hiến định sang lĩnh vực của luật tư là
phù hợp và cần thiết trong xã hội hiện đại. Sự phù hợp là ở chỗ, hiến pháp là
luật gốc và có hiệu lực pháp lý cao nhất nên đương nhiên các quy phạm hiến pháp
được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ pháp luật. Hiến pháp có hiệu lực trực tiếp
đã trở thành một trong những tiêu chuẩn phổ biến của xã hội pháp quyền. Sự tác
động của các quyền hiến định sang lĩnh vực luật tư cần thiết ở chỗ, các quy định,
nguyên tắc của hiến pháp khi được vận dụng để giải quyết các quan hệ tư sẽ góp
phần tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh nguy cơ hệ thống luật tư ngày
càng xa rời các giá trị, chuẩn mực hiến định, làm lu mờ hiến pháp và đi theo một
con đường riêng dựa trên nhận thức rằng luật tư không liên quan đến chính trị,
là sự tự do, bình đẳng, tự trị, tự quyết và chỉ phục vụ lợi ích tư. Tính cần
thiết của sự vận dụng các quy phạm hiến pháp sang lĩnh vực luật tư còn thể hiện
ở chỗ nó giúp giải quyết một cách hài hòa các xung đột về lợi ích trong xã hội
hiện đại. Bởi quan hệ lợi ích vốn rất đa dạng và đan xen nhau. Trong lợi ích tư
có lợi ích công và ngược lại. Vì vậy, để có thể xử lý được vẹn toàn các mối
quan hệ lợi ích hay các xung đột lợi ích, thì việc vận dụng các quy phạm hiến
pháp là vô cùng cần thiết đồng thời cũng sẽ là công cụ hữu hiệu nhất bởi về bản
chất các quy phạm đó có vị trí rất lớn trong hệ thống pháp luật, vốn được tạo
ra là để giải quyết những xung đột lớn về lợi ích trong xã hội.
Tuy
nhiên, để có thể áp dụng một cách hiệu quả và phù hợp các quyền hiến định, hay
nói rộng hơn là các quy tắc hiến định trong lĩnh vực tư thì cần có những bảo đảm
khác. Một trong những bảo đảm quan trọng là sự hiện diện của thiết chế bảo hiến
độc lập, chuyên nghiệp trong hệ thống tổ chức quyền lực và pháp luật của quốc
gia. Bởi, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp, với chức năng giải thích hiến
pháp hoặc thông qua các phán quyết của nền tài phán hiến pháp, thiết chế bảo hiến
sẽ góp phần làm tường minh hơn các giá trị, nguyên tắc hay các quy định của hiến
pháp trong thực tế, qua đó, khi đời sống cần đến sự hiện diện của hiến pháp,
thì việc vận dụng các quy định của hiến pháp vào giải quyết các vấn đề pháp lý
trong thực tiễn (bao gồm cả các quan hệ tư) cụ thể được chính xác, phù hợp, thống
nhất và hiệu quả hơn.
4. Lời cảm ơn:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia
(NAFOSTED) trong đề tài mã số: 18/2022/TN.
5. Kết luận
Phân
chia luật công, luật tư là sản phẩm của tư duy pháp lý theo truyền thống pháp
luật châu Âu lục địa, có lịch sử lâu dài với nền móng từ Luật La Mã cổ đại và ảnh
hưởng không nhỏ đến sự phát triển của lịch sử pháp luật của nhân loại nói
chung.
Cùng
với những thay đổi mạnh mẽ của bối cảnh xã hội hiện đại, nhận thức và phân định
luật công, luật tư cũng cần được xem xét lại để bảo đảm tính pháp quyền và tính
hệ thống của pháp luật. Hiến pháp với vai trò là luật cơ bản, luật gốc của cả hệ
thống pháp luật, đã dịch chuyển địa hạt của mình từ luật công để trở thành trụ
cột, trung tâm của cả hệ thống pháp luật. Vì vậy, sự ảnh hưởng của hiến pháp
lên toàn bộ hệ thống pháp luật là tất yếu, khách quan. Cùng với sự phát triển,
xích lại gần nhau của các hệ thống pháp luật lớn trên thế giới, nhu cầu phát
triển pháp luật trong thời đại mới, tư duy phân chia luật công, luật tư cần được
nhìn nhận lại để vừa bảo đảm tính khoa học, tính logic của pháp luật, coi pháp
luật như là công cụ, phương tiện quan trọng hàng đầu ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm
hiệu quả quyền con người, quyền công dân nhưng đồng thời phải bảo đảm tính
khách quan, tính toàn diện, tính hệ thống của pháp luật trong thời đại pháp quyền,
hội nhập và phát triển bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Trerepakhin B.B., Bàn luận về vấn đề
luật công và luật tư. Yrkutsk, 1926, tr. 5 (tiếng Nga); Mashtakov K. M., Những
vấn đề lý luận phân chia luật công và luật tư, Luận án Tiến sĩ luật học,
Volgagrad, 2001, tr.12 (tiếng Nga); John Henry Merryman & Rogelio
Perez-Perdomo, The Civil Law Tradition: An Introduction to the Legal Systems of
Europe and Latin America, 3rd ed, Standford University Press, 2007, tr. 92;
Nguyễn Thị Quế Anh, Luật dân sự trong hệ thống Luật công - Luật tư, Tạp chí
Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, 25, 2009, tr. 221.
[2] Mikhailov A.M, Những vấn đề của tư
duy phân chia luật công và luật tư: Huyền thoại và thực tế. Chuyên san khoa học
Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Voronezh (Nga), số 1 năm 2015 (tiếng Nga);
Trerepakhin B.B., Bàn luận về vấn đề luật công và luật tư, Yrkutsk, 1926, tr. 5
(tiếng Nga); Mashtakov K. M., Những vấn đề lý luận phân chia luật công và luật
tư, Luận án Tiến sĩ luật học, Volgagrad, 2001, tr.12.
[3] Bùi Tiến Đạt, Đỗ Giang Nam, Hiệu lực
của quyền hiến định trong lĩnh vực luật tư: Xu thế nghiên cứu trên thế giới và
triển vọng ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1 (421) năm 2024.
[4] Collins, Hugh, The
Constitutionalization of European Private Law as a Path to Social Justice? In
The Constitutionalization of European Private Law, ed. Hans-Wolfgang Micklitz,
26-60. Oxford: OUP (2014); Mak Chantal, Fundamental rights in European contract
law: a comparison of the impact of fundamental rights on contractual rela-
tionships in Germany, the Netherlands, Italy and England, Alphen an den Rijn:
Kluwer Law International (2008); Tom Barkhuysen and Siewert Lindenbergh,
Constitutionalisation of private law, Brill, (2006); Đỗ Giang Nam, Bùi Tiến Đạt,
Hai làn sóng hiến định quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam: Nội dung, ý nghĩa và
định hướng bảo vệ quyền, Tạp chí pháp luật về quyền con người, tháng 6/2021;
Bùi Tiến Đạt, Đỗ Giang Nam, Hiệu lực của quyền hiến định trong lĩnh vực luật
tư: Xu thế nghiên cứu trên thế giới và triển vọng ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước
và pháp luật, số 1 (421) năm 2024.
[5] Дигесты
Юстиниана : пер. с лат. / отв. ред. Л. Л. Кофанов. Т. 1, кн. 1–4. М., 2002. С.
82 (Digest Justinian: dịch từ tiếng La Tinh/ Chịu trách nhiệm xuất bản L.L. Kofanov, T1, quyển -14, M. 2022, tr.83).
[6] Дигесты
Юстиниана, tlđd, tr. 83.
[7] Mikhailov A.M, Những vấn đề của tư duy phân chia luật công và luật tư: Huyền thoại và thực tế. Chuyên san khoa học Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Voronezh (Nga), số 1 năm 2015 (tiếng Nga); Trerepakhin B.B., Bàn luận về vấn đề luật công và luật tư, Yrkutsk, 1926 (tiếng Nga); Mashtakov K. M., Những vấn đề lý luận phân chia luật công và luật tư, Luận án Tiến sĩ luật học, Volgagrad, 2001; Nguyễn Thị Quế Anh, Luật dân sự trong hệ thống Luật công - Luật tư, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, 25, 2009...
[8] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, NXB Công an nhân dân, 2017, tr.118.
[9] Mikhailov A.M, Những vấn đề của tư duy phân chia luật công và luật tư: Huyền thoại và thực tế. Chuyên san khoa học Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Voronezh (Nga), số 1 năm 2015 (tiếng Nga), tr.85.
[10] Mikhailov A.M. Tlđd, tr.83.
[11]Có thể tham khảo thêm cách tiếp cận của
tác giả Nguyễn Minh Tuấn trong bài viết “Phân định ranh giới giữa luật công và
luật tư ở Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi mở”, Tạp chí Tia sáng, đăng ngày
31.12.2012. Có thể xem tại đây:
https://tuanhsl.blogspot.com/2012/12/phan-inh-ranh-gioi-giua-luat-cong-va.html.
[12] Mashtakov K. M., Những vấn đề lý luận
phân chia luật công và luật tư, Luận án Tiến sĩ luật học, Volgagrad, 2001,
tr.12-14.
[13] Trerepakhin B.B, Tlđd. tr. 6-8.
[14] Mashtakov K.M. Tlđd, tr.14
[15] Mashtakov K.M…tr.14
[16] Mashtakov K.M…tr.15
[17] Trerepakhin B.B… tr.13.
[18] Trerepakhin B.B… tr.15, Nguyễn Thị
Quế Anh, Luật dân sự trong hệ thống Luật công - Luật tư, Tạp chí Khoa học Đại học
Quốc gia Hà Nội, Luật học, 25, 2009, tr. 221
[19] Mashtakov K.M…tr.15.
[20] Ngô Huy Cương, Sự ảnh hưởng của
pháp luật Pháp tới luật tư ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12
(316), tháng 6/2016 (xem tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208600).
Theo tác giả Ngô Huy Cương “…luật dân sự, luật thương mại và luật lao động khá
khác biệt với các ngành luật khác như luật hiến pháp, luật hành chính và luật
hình sự từ tính chất của quyền lợi mà chúng điều tiết cho tới tính chất các
quan hệ xã hội mà đòi hỏi phương thức tác động khác nhau”.
[21] Mikhailov A.M, Những vấn đề của tư
duy phân chia luật công và luật tư: Huyền thoại và thực tế. Chuyên san khoa học
Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Voronezh (Nga), số 1 năm 2015 (tiếng Nga);
Trerepakhin B.B., Bàn luận về vấn đề luật công và luật tư, Yrkutsk, 1926 (tiếng
Nga); Mashtakov K. M., Những vấn đề lý luận phân chia luật công và luật tư, Luận
án Tiến sĩ luật học, Volgagrad, 2001; Nguyễn Thị Quế Anh, Luật dân sự trong hệ
thống Luật công - Luật tư, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học,
25, 2009.
[22] Ngô Huy Cương, Tlđd.
[23] Võ Khánh Vinh, Chiến lược phát triển
pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Những vấn đề lý luận và
thực tiễn (Sách chuyên khảo). NXB. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022.
tr. 268.
[24] Nghị quyết 27-NQ/TW:
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-27-nq-tw-tiep-tuc-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-119221126114455251.htm.
[25] Mai Văn Thắng, Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Đặc trưng cơ bản và những phát triển mới. Tạp chí Kiểm
sát, số 9 năm 2023.
[1] Có thể kể đến như: Aristotle,
Demosthenes, Upian, Friedrich Carl von Savigny, Ahrens… và một số nhà luật học
người Nga Shershenevich G.F, Petrazhisky L.I.…
[2] Meyer Dmitry Ivanovich
(1819-1856), nhà luật học, hoạt động xã hội người Nga, tiến sĩ luật học.
[3] Tiêu biểu cho nhóm này có
Jhering và hai nhà luật học người Nga là A. Ton và C.A. Muromsev.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.