Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Đôi điều về tư tưởng của Nguyễn Trãi


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Nhân kỷ niệm 570 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã viết:

 “Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, văn là chính trị, chính trị cứu nước cứu dân, nội trị, ngoại giao, “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi hẹn ngàn thu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, "yếu đánh mạnh ít địch nhiều ... thắng hung tàn bằng đại nghĩa"; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao... Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta…”.[1]
Không chỉ thế, Nguyễn Trãi còn là nhà tư tưởng kiệt xuất, là ngôi sao sáng trên bầu trời tư tưởng chính trị Việt Nam vào cuối triều Trần, Hồ và đầu Hậu Lê.
Giống như nhiều nhà tư tưởng khác của nước ta, Nguyễn Trãi không trình bày tư tưởng của mình một cách có hệ thống vào một công trình nào đó, mà tư tưởng của ông được thể hiện trong rất nhiều những tác phẩm để lại cho hậu thế, như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí, Lam sơn thực lục, Luật thư, Giao tự đại lễ , Phú núi Chí Linh…
Tư tưởng của Nguyễn Trãi phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, từ tư tưởng về thiên mệnh, đạo trời, thân dân, đạo đức, mỹ học….cho đến nội dung cốt lõi nhất là thuyết “Nhân nghĩa” được kế thừa từ Nho giáo của Trung Quốc, nhưng đã có sự phát triển và mở rộng lên một tầng cao mới gắn với quan niệm của ông và truyền thống, thực tiễn cuộc sống của dân tộc. Tư tưởng của Nguyễn Trãi không chỉ có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn đối với xã hội Việt Nam thời điểm đó, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đối với toàn bộ tiến trình lịch sử của đất nước về sau này.

I.                  Tư tưởng chính trị của Nguyễn Trãi
1.     Nhân nghĩa – tư tưởng chính trị đặc sắc của Nguyễn Trãi
Nói về tư tưởng của Nguyễn Trãi, trước hết, phải nói nến “Nhân nghĩa” – một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm toàn bộ cuộc đời ông. Mặc dù tư tưởng “Nhân nghĩa” có nguồn gốc từ Nho giáo Trung Quốc, song nó đã được xây dựng lên một tầm cao mới và gắn chặt với nhân sinh quan của ông. “Nhân nghĩa” cũng chính là tư tưởng trị quốc của Nguyễn Trãi.
 Theo Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là thương dân, vì dân, an dânviệc nhân nghĩa cốt ở an dân”; nhân nghĩa là sự khoan dung, độ lượng; nhân nghĩa là lý tưởng xây dựng đất nước thái bình… Như vậy, nhân nghĩa ở đây gắn bó chặt chẽ với dân, với những người cũng khổ chứ không phải là tấm bình phong bảo vệ “người quân tử”, trật tự đẳng cấp trong xã hội, quyền lực của vua và tầng lớp “bề trên” trong xã hội. Với ông, nhân nghĩa cũng có nghĩa là yêu quê hương, đất nước.
An dân trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là yêu cầu phải chấm dứt mọi tai ương, bạo ngược, bóc lột nhân dân, là phải tạo cho dân cuộc sống yên bình, no ấm. An dân đồng thời cũng chính là kế sách giữ nước, là thế nước.
Trước Nguyễn Trãi, có lẽ, cũng đã có không ít người biết đến sức mạnh của dân trong việc giữ nước, tuy nhiên một điểm rất mới trong triết lý an dân của Nguyễn Trãi chính là biết ơn dân.
Trong xã hội Nho giáo thì xã hội được mặc định chia làm hai loại người: quân tử và tiểu nhân. Người quân tử là bề trên, người cai trị, còn dân là “tiểu nhân” là hạ ngu, loại người kém hiểu biết, không có đạo nên chỉ có nghĩa vụ cung phụng, làm lụng để tạo ra của cải nuôi sống xã hội. Nhưng, với Nguyễn Trãi chữ “dân” hiện lên đầy thân thuộc, thậm chí là trang trọng. Trọng dân và biết ơn dân là nghĩa vụ của người quân tử. Nguyễn Trãi nhận thức được rằng lực lượng làm ra thóc gạo, cơm ăn, áo mặc là nhân dân; rằng điện ngọc cung vàng của vua chúa cũng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà có: “thường nghĩ quy mô lớn lao, lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân”,[2] “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.  Không chỉ thế, trong Bình Ngô đại cáo ông viết “Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp. Hòa rượu cùng uống, binh sĩ một dạ cha con”.[3] Rõ ràng với Nguyễn Trãi dân còn là động lực chính làm nên lịch sử. Khác với Nho giáo Trung Quốc, Nguyễn Trãi đánh giá cao vai trò của dân, nhìn nhận nhân dân như là một lực lượng to lớn có vai trò đối với sự hưng thịnh hay bại vong của chế độ, của đất nước. Chính dân chứ không ai khác đã đánh đuổi quân thù giành giang sơn giữ vẹn toàn lãnh thổ quốc gia, và ông cũng hiểu được sức mạnh “đẩy thuyền” và “lật thuyền” của dân.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cũng có nghĩa là thương dân, lo cho dân.
Khi nước nhà bị xâm lược, ông xót xa thốt lên và tỏ thái độ bất bình với hành động dã man của quân xâm lược:
“Thui dân đen trên lò bạo ngược
  Hãm con đỏ dưới hố tai ương…”[4]
Hầu hết trong các tác phẩm của mình chúng ta đều dễ dàng nhận thấy sự trăn trở, day dứt của ông với nỗi thống khổ của dân. Ông viết: “Trước họ Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, có người thì thân bị hãm ở tặc đình, có người thì danh bị buộc ở ngụy chức”,[5] “họ Hồ thì dối trời hại dân”,[6] “mới rồi họ Hồ cướp nước, lật đổ tổ tông tự nhà thần, trên dối triều đình, dưới khổ dân chúng”[7]. Không chỉ thế, ông còn khuyên can nhà vua và các quan lại phải làm cho dân giàu, phải nuôi dưỡng và thương yêu dân “Nguyện xin bệ hạ yêu thương nuôi dưỡng dân  để nơi làng xóm quê thôn không còn có tiếng sầu than oán giận”,[8] hoặc “nay các quan trấn thủ phủ vệ vâng mệnh Triều đình, chăn nuôi dân chúng, ví như cha mẹ nuôi con, ai cũng hết lòng thương yêu”.[9]
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện ở sự yêu thương, coi trọng dân, mà còn ở lòng thương người, sự khoan dung, độ lượng với cả kẻ thù. Trong thư gửi Vương Thông ông viết: “Cầu đường sửa xong, thuyền xe sắm đủ, hai đường thuỷ lục, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần”.[10] Với ông “trả thù báo oán là thường tình của mọi người; mà không thích giết người là bản tâm của người nhân”. Lòng khoan dung, đức hiếu sinh đối vởi cả kẻ thù trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là sự biểu hiện trong ông truyền thống, tính cách của dân tộc Việt. Tha cho kẻ thù là nhân nghĩa, nhưng trong đó cũng thể hiện tầm nhìn xa trộng rộng của ông với mục tiêu cuối cùng là an dân - “nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Gây lại hoà hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời”.[11]
Chính vì thế, tư tưởng “Nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi không chỉ là tư tưởng Nho học thuần túy mà có thể coi như là tư tưởng chính trị làm nền tảng thuyết trị quốc của ông.
2.     Về nguồn gốc quyền lực
 Cũng giống nhiều nhà tư tưởng thời bấy giờ, Nguyễn Trãi cũng tuân theo “mệnh trời”.  Nhưng mệnh trời của ông khác với mệnh trời trong Nho giáo. Theo ông, Vua cũng được trời trao cho thiên mệnh trị vì đất nước, tuy nhiên, việc trị quốc phải tuân theo lẽ tự nhiên chứ không phải vua sinh ra là có quyền cai trị đất nước vĩnh cửu. Nếu vua làm những điều làm dân oán, dân khổ là đi ngược với quy luật trong trời đất thì tất yếu sẽ dẫn đến chỗ diệt vong. Vua không nên chỉ trị quốc theo ý muốn cá nhân mà phải dựa vào lòng hiếu sinh của trời. Theo ông, các triều đại tất dẫn đến diệt vong nếu không tuân theo lòng trời, lòng người. Trong Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười biếng ông đã tổng kết: “Dưới triều Trần, vua, quan lại và các tướng lĩnh mặc sức hưởng thụ không đoái hoài đến dân chúng vi phạm đạo của nhà cầm quyền nên trời đã mượn tay họ Hồ truất ngôi… và, tuy ta lấy đại nghĩa mà được lòng người, nhưng cũng bởi trời chán ghét mà phó thác cho ta vậy”.[12]
Như vậy, với Nguyễn Trãi, mặc dù sống trong lòng chế độ phong kiến nhưng ông đã vượt ra khỏi tư tưởng thần quyền cổ điển. Cái giá trị của tư tưởng Nguyễn Trãi chính là ở chỗ ông khẳng định được dòng quy luật của trời đất, vũ trụ thể hiện trong xu hướng phát triển của chế độ, của nhà nước. Trong quy luật ấy, ý nguyện của trời đất thể hiện ở thái độ người cầm quyền với dân chúng. Trên thực tế đó không phải là ý chí của Thượng đế mà là quy luật khách quan của trời đất. Trong quy luật đó, mọi sự vận động đều tìm đến một chế độ hợp lòng trời – đó chính là lòng dân. Phải chăng đó là tiền đề cho tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà được Nguyễn Trãi khôn khéo lý giải thông qua việc mượn thuật ngữ “Mệnh trời” cho nó không chống lại tư tưởng phong kiến thời bấy giờ. Với ông “Trời” chẳng qua là khái niệm chỉ quy luật khách quan chứ không phải là Thượng đế.
Như vậy, với việc khám phá ra quy luật khách quan thông qua khái niệm “Trời” và việc dùng thuật ngữ cũ “Mệnh trời” nhưng chứa đựng nội dung hoàn toàn mới, Nguyễn Trãi đã cho thấy, một chế độ có thể trường tồn nếu các vị vua, quan lại làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, lấy phục vụ dân làm nền tảng và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
3.     Tư tưởng “Cầu hiền tài”
Tư tưởng chính trị trị quốc của Nguyễn Trãi còn thể hiện ở việc dùng người hiền tài. Khác với các triều đại trước đó, khi mà việc dùng người chủ yếu là được tiến cử từ con cháu, họ hàng thân thích của vua chúa, quan lại[13] hoặc có thể từ những người đã từng “nằm gai, nếm mật” lúc cùng vua khởi nghiệp, với Nguyễn Trãi, hiền tài ở dân. Dân mới là yếu tố làm nên nền thái bình thịnh trị của chế độ và, theo ông, “người tài trong dân không ít”.[14] Một chế độ chỉ thực sự thịnh trị khi mà người dân đem tài ra giúp sức. Chính vì thế triều đình cần phải cầu hiền và có thể cầu hiền bằng nhiều cách cách như học hành thi cử, hoặc tiến cử “văn võ đại thần, công hầu, đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì… tùy tài trao chức (in nghiêng - MVT)”; hoặc ứng cử “người có tài ở hàng kinh luân bị khuất ở hàng quân nhỏ”, “người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn ở hàng binh lính” phải tự mình đề đạt để gánh vác việc dân, việc nước (Chiếu cầu hiền tài). Có lẽ vì thế thời kỳ Lê Sơ được coi là thời kỳ thịnh nhất trong việc mở các khoa thi để chọn hiền tài.
4.     Tư tưởng dân chủ
Ngoài việc cầu hiền tài, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, mọi quyết định của nhà nước đều phải lấy nguyện vọng của dân ra làm thước đo mà quyết định đúng sai, phải trái, đồng thời phải phát huy trí tuệ của dân khi ban hành các quyết định. Trong chiếu bàn về phép tiền tệ có viết: “… các đại thần trăm quan và cá sỹ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ đều bàn bạc về thể lệ dùng tiền, thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời”.[15] Việc lấy ý kiến của thuộc cấp của người dân cũng đã từng được chứng kiến khi nhà Trần tổ chức “Hội nghị Diên Hồng”. Tuy nhiên, đó là khi nước nhà nằm trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước sức mạnh của kẻ thù, còn ở đây là lấy ý kiến về một công việc bình thường của nước nhà khi “quốc thái, dân an” và đặc biệt là lưu ý “không được lấy ý muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người không theo…”, có lẽ, theo sự hiểu biết nông cạn của tác giả, quan điểm này là chưa hề có tiền lệ ở nước ta vào thời điểm đó.
Rõ ràng, đây là tư tưởng vượt thời đại và mang tính cách mạng. Vào thời điểm ấy, khi mà hầu hết mọi triều đại, cũng như vua chúa, quan lại đang lo giữ, chiếm đoạt quyền lực, lợi ích riêng cho mình, luôn áp đặt ý chí của mình lên bộ phận còn lại của xã hội mà người ta quen gọi là “tiểu nhân”, thì lại có một tư tưởng “dân chủ” đến như vậy. Có lẽ đây là tư tưởng lớn mà nhiều năm sau vua Lê Thánh Tông,[16] sau khi đã minh oan cho ông, đã nhận ra và vận dụng nó trong chính sách “Quan chế” của mình để rồi tạo ra một thời kỳ có lẽ, theo tác giả, là hoàng kim bậc nhất trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam.
5.     Tư tưởng về trách nhiệm của người cầm quyền
Một trong những điểm tiến bộ trong tư tưởng trị quốc của Nguyễn Trãi là ông đề cao trách nhiệm của người cầm quyền. Với ông, được phong quan, tiến chức không hẳn là bổng lộc mà là trách nhiệm, người giữ địa vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Trong cái xã hội thời đó, thông thường khi được thăng quan người ta nghĩ ngay đến bổng lắm lộc nhiều. Nhưng đối với ông, khi được giao trọng trách làm quan cai quản lính cả vùng Đông Bắc, ông rất vui – ông vui vì được phục vụ dân, phục vụ giang sơn xã tắc, ông lo – ông lo vì trách nhiệm lớn không biết có hoàn thành được tốt hay không. Trong Chiếu về việc làm bài “Hậu tự huấn” để răn bảo thái tử ông viết: “Giữ chức Đông Đài, thực việc triều đình rất trọng; Việc kiêm Tam quán, ấy điều nho giả cực vinh. Huống ban quốc tính để rạng tông môn, lại với công thần xếp cùng hàng liệt. Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng.”[17] Cái “chảy nước mắt” và “sợ trong lòng” là đạo của người cầm quyền như ông. Có mấy ai khi nhậm chức lại “sợ trong lòng” như ông và cái tư tưởng trách nhiệm đó ông đem ra để răn dạy thái tử - người sẽ nối ngôi trị vì thiên hạ sau này.
Trách nhiệm của người cầm quyền không chỉ dừng lại ở lo nghĩ trách nhiệm mà ông còn chỉ ra những việc để biến cái tư tưởng đó vào thực tiễn điều hành đất nước. Đáng lưu ý nhất là ông chỉ cho người cầm quyền ba việc nên làm để thực thi trách nhiệm của mình, đó là trách nhiệm dưỡng dân, giáo dân và an dân.[18]
Dưỡng dân là coi trọng nhân dân là làm cho nhân dân được no ấm. Người cầm quyền phải nhận thức được rằng mọi của cải trong xã hội là do dân làm ra và với tư cách của nhà cầm quyền họ phải cùng nhân dân chống thiên tai, địch họa và tạo điều kiện tốt nhất để làm ăn tạo sức dân. Ông không chỉ kêu gọi vua và quan lại “yêu thương nuôi dưỡng dân đen để nơi làng xóm quê thôn không còn tiếng sầu than oán giận”, “lấy điều lo của dân sinh làm điều lo của thế kỷ” hay  kêu gọi vua miễn giảm tô thuế “ruộng nào không đầy diện thì được miễn thuế hoàn toàn” mà trong “Dư địa chí”[19] ông còn tỉ mỉ liệt kê những đặc điểm khác nhau về thổ nhưỡng, khí hậu cho từng vùng miền và khuyên vùng đó nên trồng cây gì, nuôi con gì… Như vậy, với ông người có quyền không chỉ biết kêu gọi, mà còn phải tự mình xông pha, phát huy kiến thức để phục vụ dân đó mới là thực hiện trọng trách của mình.
Trong quan điểm của rất nhiều người cầm quyền lúc bấy giờ, lễ nghĩa không biết đến thứ dân. Dân là ngu si và càng ngu si càng dễ trị. Chữ nghĩa chỉ có những người có chức sắc mới được học, được biết. Tuy nhiên, với Nguyễn Trãi sức mạnh của quốc gia dân tộc nằm ở sức mạnh của muôn dân, dân có mạnh thì khí nước mới thịnh. Muốn vậy nhà cầm quyền cần phải khai sáng cho dân phải dạy dỗ và giáo dục để dân “sáng”, mà dân sáng thì sẽ có nhiều người tài phục vụ đất nước. Thiết nghĩ, âu cũng là tư tưởng hiếm gặp trong bối cảnh thời bấy giờ.
Ngoài trách nhiệm dưỡng dân và giáo dân, Nguyễn Trãi còn cho rằng, người cầm quyền phải có trách nhiệm an dân. An dân là bảo vệ nhân dân, không tiến hành chiến tranh cướp bóc, giết chóc. Để làm được việc đó người cầm quyền cần có cả trí lẫn dũng. Với ông “trung” không có nghĩa là trung với vua mà là trung với lợi ích, trung với dân, vì sự an nguy của dân, chứ không phải vì sự an nguy của một dòng họ, vì một người mà hi sinh muôn dân. Có lẽ vì vậy mà có thể lý giải ông không trung với triều “Trần” mặc dù cha ông, ông ngoại ông là quan triều Trần và ông cũng ăn bổng lộc triều Trần mà lại không theo bao người “phản Hồ phục Trần” hay ông cũng không theo nhà Minh để làm quan hòng lợi ích riêng, ông không trung với “Nhà Trần” cũng như “ Nhà Hồ” bởi ông không thấy “lòng dân ”ở trong các triều đại đó.
6.     Tư tưởng dân tộc của Nguyễn Trãi
Trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, ngoài những điểm đã nói ở trên, chúng ta còn có thể dễ dàng nhận thấy ở ông tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và tự hào dân tộc đã trở thành truyền thống được bồi đắp từ bao đời.
Trong Bình Ngô đại cáo ông viết:
Như nước Đại Việt ta từ trước
 Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông, bờ cõi đã chia, phong tục Bắc, Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có…

Tuy nhiên, với ông khái niệm quốc gia dân tộc bao gồm nhiều yếu tố, đó là: nền văn hiến, là lãnh thổ, là phong tục, là chính quyền là dân (hào kiệt là hiền tài từ dân mà ra – MVT). Như vậy, nếu đem so với “Nam quốc sơn hà” bài thơ  được coi là “Bản tuyên ngôn lần thứ nhất”, thì với những tuyên bố trong bản “Bình Ngô đại cáo” - được ví như bản “Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai”, rõ ràng khái niệm quốc gia dân tộc có khác nhiều. Nếu trong “Nam quốc sơn hà” ta thấy khái niệm quốc gia dân tộc gắn liền với Vua.: Đất là đất của Vua, sông núi cũng là sông núi của Vua, thì với Nguyễn Trãi đất nước, quốc gia, dân tộc không chỉ có vua (triều đại) mà còn có văn hiến, có truyền thống, có bờ cõi, có nhân dân. Yêu nước phải là yêu tất cả, cả nền văn hiến, cả truyền thống, phong tục của dân tộc, cả bờ cõi và cả người dân nữa.
II.               Nguyễn Trãi và pháp luật
Về pháp luật, có thể nói, cho đến nay rất khó có thể đưa ra những minh chứng cho một tư tưởng đầy đủ của Nguyễn Trãi về lĩnh vực này. Thiết nghĩ, một phần do ý thức của nhà cầm quyền về vai trò của luật pháp trước và trong thời điểm đó cũng không được đề cao, ngoài ra, có thể những tác phẩm của ông bàn về vấn đề này đã bị đốt hoặc không được tìm thấy. Trong nhiều tư liệu lịch sử mà đến nay có thể tiếp cận được thì phần tư tưởng pháp luật của Nguyễn Trãi hầu như cũng không được đề cập nhiều. Trong một số sách sử để lại có nói đến Luật Thư[20] – một văn bản luật do Nguyễn Trãi Trực tiếp biên soạn.[21] Tuy nhiên cho đến nay, Luật Thư không còn nữa. Mặc dù không có được minh chứng xác thực về tư tưởng pháp luật của Nguyễn Trãi, song, theo tác giả, có thể nhận định rằng, những tiến bộ vượt thời đại mà “Quốc Triều hình luật” có được có mối liên hệ mật thiết với tư tưởng thân dân, nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Bởi, “Quốc Triều hình luật”, mặc dù được ban hành vào thời Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức), tuy nhiên, nó được bắt đầu biên soạn từ rất nhiều năm trước đó[22] và trong rất nhiều những điểm tiến bộ của Bộ Luật này người ta thấy nổi lên tư tưởng nhân đạo, quan tâm đến quyền và địa vị của những người yếu thế, như: người già, người tàn tật, neo đơn, mồ côi, phụ nữ và trẻ em…mà, như đã đề cập, những tư tưởng đó rất gần với tư tưởng “Nhân nghĩa” cũng như đạo trị quốc an dân của Nguyễn Trãi. Ngoài ra, còn có thể có một lý do nữa: Lê Thánh Tông chính là người đã minh oan cho ông và lệnh khôi phục và tìm kiếm lại tất cả những tác phẩm của ông – người đã ca ngợi ông “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, thì việc Bộ Luật Hồng Đức có hơi thở của tư tưởng Nguyễn Trãi cũng không có gì là lạ.
Như vậy, dù không còn tư liệu nào có thể giúp hậu thế có cái nhìn toàn diện về tư tưởng pháp luật của Nguyễn Trãi, tuy nhiên, thiết nghĩ, bằng những lý lẽ ở trên, cũng giúp chúng ta có thể nhìn thấy ở ông một tư tưởng coi trọng pháp luật và pháp luật không chỉ là để bảo vệ vương quyền mà còn phải hướng tới bảo vệ kẻ “tiểu nhân” như nội dung tư tưởng nhân nghĩa của ông.
Sẽ không khách quan khi ca ngợi tư tưởng của Nguyễn Trãi là vĩ đại, bởi ta vẫn thấy ở đó công nhận thần quyền, vẫn thấy nhiều những lời mang tính giáo huấn dạy bảo mà chưa thấy mở ra một cơ chế đảm bảo nền dân chủ thực sự. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh lúc đó để phán xét ta có thể thấy đạo trị quốc của ông, tư tưởng của ông đã vượt qua cái biên giới tưởng chừng như không thể vượt qua của thời đại. Tư tưởng về quy luật khách quan của “mệnh trời”, “lòng dân”, tư tưởng thân dân và trách nhiệm của người cầm quyền, về quốc gia, dân tộc… đã làm ông đi ra khỏi ranh giới của xã hội và để rồi, cũng có thể vì thế, mà chịu oan ức. Nhưng tư tưởng của ông được hậu thế tôn vinh và đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị để xây dựng một nhà nước dân chủ, pháp quyền mà tiền đề của nó đã được Nguyễn Trãi đặt nền móng từ hơn 600 năm trước./.
_______________
Tài liệu tham khảo:
1.        Bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên báo Nhân dân số 3099 ngày 19/9/1962  “Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc.
2.        Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Trãi – về tác gia, tác phẩm. Nxb Giáo dục, hà Nội, 2011.
3.        Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
4.        Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi Toàn tập. Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
5.        Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập (Bình Ngô đại cáo) Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
6.        Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập (Thư dụ Thổ quan thành Điêu Điêu). Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
7.        Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập (Thư cho Vương Thông). Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
8.        Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập (Tờ tấu cầu phong). Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
9.        Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập (Thư cho Tổng binh cùng quan phủ vệ Thanh Hóa). Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
10.     Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi Toàn tập (Quân trung từ mệnh tập), Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. tr.135.
11.     Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi Toàn tập (Phú núi Chí Linh), Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. tr.87.
12.     Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập (Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười biếng). Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. Tr.196-198.
13.     Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi Toàn tập(Chiếu cầu hiền tài). Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976 Tr.194.
14.     Nguyễn Trãi, Sđd (Chiếu bàn về phép tiền tệ). Tr.195.
15.     Nguyễn Trãi, Sđd (Chiếu về việc làm bài “Hậu tự huấn” để răn bảo thái tử). Tr.206
16.     Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục, Viện sử học sưu tầm và in. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1960.
17.     Tư tưởng nguyễn Trãi về trách nhiệm của người cầm quyền đối với nhân dân. LV Thạc sĩ Triết học Hoàng Ngọc Bích, 2012
18.     http://phapluattp.vn/201104180224951p0c1112/tac-gia-cua-bo-luat-hong-duc.htm
.








* Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên báo Nhân dân số 3099 ngày 19/9/1962  “Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc.
[2] Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi Toàn tập. Viện sử học sưu tầm và in. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. Tr. 196.
[3] Nguyễn Trãi, Sđd (Bình Ngô đại cáo). Tr. 79.
[4] Nguyễn Trãi, Sđd (Bình Ngô đại cáo). Tr. 78.
[5] Nguyễn Trãi, Sđd (Thư dụ Thổ quan thành Điêu Điêu). Tr.126
[6] Nguyễn Trãi, Sđd (Thư cho Vương Thông). Tr.130
[7] Nguyễn Trãi, Sđd (Tờ tấu cầu phong). Tr.146
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục, Viện sử học sưu tầm và in. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1960. Tr. 428.
[9] Nguyễn Trãi, Sđd (Thư cho Tổng binh cùng quan phủ vệ Thanh Hóa). Tr. 103.
[10] Nguyễn Trãi. Sđd., (Quân trung từ mệnh tập), tr.135
[11] Nguyễn Trãi. Sđd., (Phú núi Chí Linh), tr.87.
[12] Nguyễn Trãi, Sđd (Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười biếng). Tr.196-198.
[13] Dưới triều Trần thậm chí để bảo toàn ngôi báu, Nhà TRần đề ra quy định chỉ được lấy trong dòng họ.
[14] Nguyễn Trãi, Sđd (Chiếu cầu hiền tài). Tr.194.

[15] Nguyễn Trãi, Sđd (Chiếu bàn về phép tiền tệ). Tr.195.
[16] Năm 1464 vua Lê Thánh Tông (1460-1497) chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi  và ca ngợi  ông“ Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (tấm lòng Ức Trai sáng tựa như sao Khuê) và lệnh sưu tầm di cảo văn thơ Nguyễn Trãi.
[17] Nguyễn Trãi, Sđd (Chiếu về việc làm bài “Hậu tự huấn” để răn bảo thái tử). Tr.206
[18] Xem thêm: Tư tưởng nguyễn Trãi về trách nhiệm của người cầm quyền đối với nhân dân. LV Thạc sĩ Triết học Hoàng Ngọc Bích, 2012
[19] Tác phẩm của Nguyễn Trãi ra đời năm 1438  là công trình địạ lý, lịch sử có giá trị to lớn.
[20] Theo nhiều tài liệu thì Luật thư được Nguyễn Trãi biên soạn trong giai đoạn 1440-1442.
[21] Xem thêm: http://phapluattp.vn/201104180224951p0c1112/tac-gia-cua-bo-luat-hong-duc.htm
[22] Theo nhiều nhà nghiên cứu Quốc Triều hình luật bắt đầu được soạn thảo từ thời Lê Thái Tổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.