ảnh Internet |
TS. Nguyễn Văn Quân
Khoa Luật, ĐHQGHN
Cách đây không lâu Khoa Luật có tổ chức Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật. Đây là Hội thảo hay, có nhiều ý nghĩa. Trong Hội thảo này có bài tham luận của TS. Nguyễn Văn Quân, giảng viên Bộ môn Lý luận - Lịch sử NN&PL, Khoa Luật.
Nhận thấy, bài viết này có nhiều hữu ích cho các bạn sinh viên đang học môn Luật So sánh khi tài liệu về đào tạo luật ở Pháp khá hạn chế hoặc thiếu cập nhật, tôi đã xin phép TS. Quân đăng tải lên đây để làm tài liệu cho các bạn sinh viên học tập cũng như tiếp cận được cách đào tạo ở một trong những nền luật học hàng đầu trên thế giới và cũng có nhiều duyên nợ với Việt Nam chúng ta.
Trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Văn Quân và xin giới thiệu cùng các bạn!
1. Giới thiệu chung về đào
tạo luật ở Pháp
Pháp là quốc gia có nền dân chủ lâu đời, một nền
kinh tế thị trường phát triển, một hệ thống pháp luật khá hoàn thiện. Nghề luật
và đào tạo luật ở Pháp vì thế cũng phát triển. Hiện nay, tại Pháp có khoảng hơn
50 trường Đại học công lập có giảng dạy và đào tạo luật, chưa kể các viện
nghiên cứu của nhà nước và các trường tư (ví dụ, hệ thống Trường thương mại –
Ecole de commerce) cũng có các chương trình đào tạo luật.
Từ năm 1999, trong khuôn khổ tiến trình nhất thể hóa
theo quy chuẩn châu Âu về đào tạo đại học, Pháp thay đổi theo mô hình đào tạo đại
học 3 năm (Mô hình: LMD: Đại học 3 năm, Cao học 2 năm và Tiến sĩ 3 năm). Trước
đây, chương trình đạo tạo đại học kéo dài trong 4 năm (maîtrise) và cao học 1 năm.
Cao học chia làm hai loại: Cao học theo định hướng ứng dụng (Master 2
Professionnel) và Cao học theo định hướng nghiên cứu (Master 2 Recherche).
Chương trình ứng dụng được thiết kế hướng trực tiếp tới một nghề nghiệp cụ thể,
ngoài chương trình học là một khóa thực tập kéo dài khoảng 6 tháng, còn Cao học
theo định hướng nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho người học theo đuổi sự nghiệp
nghiên cứu và giảng dạy sau này, cụ thể là thông qua việc làm luận án tiến sĩ
(Doctorat). Luận án tiến sĩ theo quy định được chuẩn bị trong 3 năm, nhưng đối
với ngành luật thì rất ít người hoàn thành luận án trong 3 năm mà thường kéo
dài hơn.
Giống như tại Việt Nam, đào tạo luật ở Pháp bắt đầu
từ việc trở thành sinh viên của khoa Luật thuộc các trường Đại học (ở Pháp,
không có các trường chuyên về luật, mà khoa Luật thường nằm trong các trường Đại
học tổng hợp đa ngành, giống như các quốc gia phương Tây khác[1]).
Tuyển sinh đầu vào ngành luật của Pháp được thực hiện theo hình thức ghi danh,
tức là chỉ cần có bằng tú tài (baccalauréat) là có thể ghi danh vào một cơ sở
đào tạo luật (có ngoại lệ cho một số trường đặc biệt như Học viện khoa học
chính trị, Trường Thương mai… người dự tuyển phải trải qua chương trình dự bị 2
năm với kết quả cao). Vì tuyển sinh theo hình thức ghi danh nên tỉ lệ sinh viên
không học qua năm thứ nhất ở các khoa luật khá cao: Khoảng 40% đến 50%. Các học
lên cao thì số lương sinh viên đầu ra càng giảm dần.
Chương trình đào tạo luật ở bậc đại học ở Pháp kết hợp
hài hòa giữa lý luận hàn lâm và thực tiễn: Theo đó, sinh viên dành thời lượng
khoảng 70% theo học các bài giảng của các giáo sư tại giảng đường lớn (cours
magistraux), và 30% thời lượng để theo học các lớp bài tập lớn (travaux dirigés
- lớp học ít người và thường do các nghiên cứu sinh hoặc giảng viên trẻ đảm nhiệm).
Bên cạnh việc học lên bậc sau đại học (Cao học, tiến
sĩ), thì sau khi có bằng đại học chuyên ngành luật, người học có thể tiếp tục
theo học các trường đào tạo nghề. Có thể kể ra các trường đào tạo nghề cơ bản
sau: Trung Tâm đào tạo nghề luật sư vùng (Centres Régionaux de formation
professionnelle des avocats-CRFPA), Trung tâm đào tạo nghề công chứng vùng (Centres
Régionaux de formation professionnelle notarial-CRFPN); Trường thẩm phán quốc
gia Bordeaux (Ecole Nationale de la Magistrature-ENM).
2. Các
trường đào tạo nghề luật
Nghề luật
sư: ở Pháp để hành nghề luật sư, trước
hết phải có bằng cử nhân luật (maîtrise en droit), phải thi đầu vào và hoàn
thành khóa học 18 tháng tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ (Centres Régionaux de
formation professionnelle des avocats-CRFPA) được tổ chức ở từng vùng. Nếu có bằng
tiến sĩ thì được miễn kỳ thi khó khăn này. Chương trình học do ủy ban quản lý
Trung tâm khu vực quy định với sự nhất trí của hội đồng quốc gia luật sư và báo
cáo với bộ Tư pháp. Nội dung chương trình chủ yếu là nghiên cứu điều lệ và đạo
đức luật sư, thảo các văn bản, thực hành các thủ tục tố tụng… Bên cạnh đó, các luật gia phải trải qua 2 năm
tập sự dưới sự hướng dẫn của luật sư thực hành. Sau thời gian tập sự, nếu có nhận
xét tốt của luật sư hướng dẫn tập sự, người thực tập sẽ nhận được giấy chứng nhận
hết tập sự, tuyên thệ trước tòa án và có thể trở thành luật sư chính thức.
Nghề thẩm phán: Một người sau khi
có bằng cử nhân nếu muốn theo nghề xét xử, phải trải qua 1 kỳ thi rất khó để
vào Trường đào tạo thẩm phán Quốc gia tại Bordeaux. Chương trình đào tạo thẩm
phán tương tự chương trình đào tạo công tố viên kéo dài 31 tháng. Sau khi hoàn
thành tốt chương trình, bao gồm 1 kỳ thực tập quan trọng các học viên tốt
nghiệp thường được chỉ định vào các vị trí xét xử hoặc công tố khác nhau. Việc
bổ nhiệm thẩm phán do Tổng thống cộng hoà Pháp quyết định dựa trên đề nghị của
1 cơ quan đặc biệt là Hội đồng tối cao về thẩm phán. Cơ quan này cũng chịu
trách nhiệm về kỷ luật xét xử của các thẩm phán.
Một thiết chế tương tự
cũng áp dụng với các toà hành chính nhưng thẩm phán các toà hành chính học nghề
xét xử không phải tại các trường ở Bordeaux mà học cùng các công chức cao cấp tại
Học viện hành chính danh tiếng ở Paris (Ecole nationale d’administation). Trong
cả hai hệ thống đào tạo thẩm phán tư pháp và hành chính này, người trúng tuyển
theo học đều trở thành công chức nhà nước và được trả lương từ khi theo học.
Nghề công chứng viên: Về trình độ, ứng cử viên
phải có bằng tốt nghiệp đại học, nghĩa là ít nhất phải có 4 năm đại học luật.
Sau đó, phải trải qua một khoá đào tạo chuyên môn cả về lý thuyết lẫn thực
hành, được tổ chức tại các trung tâm đào tạo nghề nghiệp để có Bằng nghiệp vụ
công chứng (Diplôme
d’aptitude à la fonction de notaire) hoặc theo học
ngay tại những trường đại học đã ký hợp đồng đào tạo về công chứng để có
Bằng công chứng (Diplôme supérieur du notariat). Trong cả hai trường hợp, yêu
cầu khóa thực tập 2 năm tại một cơ sở công chứng là điều kiện bắt buộc để có
chứng chỉ hành nghề. Trước khi bắt đầu hoạt động,
công chứng viên phải tuyên thệ tại Toà án và phải tuyên thệ tại Hội nghị toàn
thể công chứng viên, và được Nhà nước cấp con dấu để hành nghề.
3. Một
số điểm cơ bản về đào tạo tiến sĩ luật
Luận án tiến sĩ luật ở Pháp là một công trình khoa học
nặng về lý luận hàn lâm. Tuy không có quy định dung lượng tối thiểu số trang,
nhưng theo thông lệ thì tối thiểu là 200 trang và không bị giới hạn số trang (từng
có luận án tiến sĩ ngành luật dài 2000 trang, chia làm 04 quyển). Điều kiện
theo học bậc tiến sĩ là ứng viên phải có một bằng Cao học chuyên ngành luật hoặc
khoa học chính trị và nhận được sự bảo trợ hướng dẫn của một giảng viên đủ điều
kiện theo luật định. Tiếp đó, NCS cứu sinh phải đăng ký theo học tại một Trường
tiến sĩ (Ecole doctorale) và thuộc biên chế nghiên cứu của một viện nghiên cứu
nào đó, dưới sự hướng dẫn của một hoặc hai nhà nghiên cứu có kinh nghiệm.
Nghiên cứu sinh không phải theo học các môn học bắt
buộc như chương đào tạo hiện nay ở Việt Nam, mà được khuyến nghị theo học các lớp
ngắn hạn với các môn tự chọn: các lớp học ngắn hạn này phần lớn cung cấp cho
người học các kỹ năng của “nghề” nghiên cứu, như: cách thức tìm kiểu tài liệu
khoa học, sử dụng, trích dẫn các nguồn tài liệu, cách thức viết bài báo khoa học,
luận án… Song song với các khóa đào tạo ngắn hạn là các hội thảo, chuyên đề được
tổ chức thường xuyên và nghiên cứu sinh có thể tham dự một cách tự do.
Đối với nghiên cứu sinh ngành luật và các ngành khoa
học xã hội, nhân văn, trong 1 năm đầu là khoảng thời gian dành cho việc đọc và
nghiên cứu tài liệu tại thư viện và trao đổi với giáo sư hướng dẫn để tìm ra định
hướng nghiên cứu phù hợp. Sau thời gian này, người hướng dẫn khoa học sẽ yêu cầu
nghiên cứu sinh trình bày một tổng quan định hướng nghiên cứu (problématique)
trước giáo sư hướng dẫn, và có thể trước một nhóm các nhà nghiên cứu của trung
tâm mình theo học, để nhận các ý kiến đóng góp và phản biện.
Luận án tiến sĩ là công trình nghiên cứu mang tính
cá nhân cao, vì thế giáo viên hướng dẫn thường không can thiệp sâu vào các ý tưởng
nghiên cứu của nghiên cứu sinh, mà chủ yếu đưa ra các định hướng về mặt phương
pháp luận là chính. Tuy nhiên, người ta thường nói “thầy nào thì trò ấy”,
nghiên cứu sinh thường chịu nhiều ảnh hưởng của giáo sư hướng dẫn về quan điểm
học thuật.
Trước khi nộp luận án tiến sĩ lên Trường tiến sĩ để
làm các thủ tục bảo vệ, nghiên cứu sinh phải gửi luận án kiểm định phần mềm chống
sao chép, đạo văn do Trường chỉ định và có sự chứng nhận của người hướng dẫn về
tính liêm chính học thuật của luận án.
Bảo vệ luận
án tiến sĩ được diễn ra một lần duy nhất và chính thức. Hội đồng chấm luận án
bao gồm tối thiểu 2 thành viên đến từ cơ sở đào tạo bên ngoài, và giáo viên hướng
dẫn là một thành viên của Hội đồng – nhưng không có quyền bỏ phiếu. Thực tế, chất
lượng của một luận án tiến sĩ phù thuộc vào các thành viên của Hội đồng đánh
giá này. Nhìn thành viên của Hội đồng có thể đánh giá được chất lượng của luận án
và quá trình học tập, nghiên cứu của NCS.
4. Một số gợi ý cho đào tạo
luật tại Việt Nam
Thứ nhất,
có thể nói rằng, thủ tục hành chính trong đào tạo bậc đại học và sau đại học chuyên
ngành luật ở Pháp được tối giản, công việc hành chính có thể rất nhiều cho những
người làm công tác quản lý đào tạo nhưng người học chỉ phải trải qua những thủ
tục tối giản.
Thứ hai,
chương trình đào tạo bậc cử nhân có thể tăng cường hình thức bài tập lớn
(travaux dirigés) với thời lượng phù hợp, nhằm giúp sinh viên làm quen với các
tình huống thực tế một cách thiết thực. Các lớp học này cũng có thể là hình thức
đào tạo các NCS thành các giảng viên trong tương lai, tạo điều kiện cho họ tích
lũy kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy.
Thứ ba,
hệ thống thư viện và học liệu phục vụ cho đào tạo ở Pháp là một kinh nghiệm mà
chúng ta có thể học tập: Mỗi trường đại học ở Pháp đều có một hệ thống thư viện
trường với số lượng đầu sách rất phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó mỗi trung tâm,
viện nghiên cứu thành viên đều có các thư viện chuyên ngành với số lượng sách rất
lớn. Người học có thể mượn sách tại thư viện một cách đơn giản, thuận tiện.
Ngoài số sách có sẵn tại thư viện, người học cũng có thể mượn sách tại bất kỳ
thư viện đại học nào của Pháp cũng như các trường đại học nước ngoài khác, qua
thủ tục mượn sách giữa các thư viện. Thủ tục đơn giản, thuận tiện và chi phí rất
hợp lý. Việc đăng ký vào học tại một trường đại học cũng cho phép sinh viên và
người học được quyền truy cập dữ liệu sách, báo, tạp chí điện tử chuyên ngành
luật một cách thoải mái và thuận tiện.
Thứ tư,
việc tổ chức các khóa học tự chọn cho NCS ngành luật ở Pháp là điểm chúng ta có
thể học tập. Thay vì đi sâu vào các môn lý thuyết hàn lâm (như phương pháp
nghiên cứu khoa học…) mà NCS vốn có thể tự tìm hiểu qua sách, báo thì nên tập
trung hướng dẫn cho NCS các kỹ năng nghiên cứu cụ thể như: cách thức trích dẫn
khoa học, cách tìm kiếm tài liệu, cách viết một bài báo khoa học, luận văn, luận
án…./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.