Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Bảo hiến trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: cơ hội mới, tính phổ quát và tính đặc thù

 

ảnh internet

TS. Mai Văn Thắng

Khoa Luật, ĐHQGHN

(Bài viết tham dự Hội thảo tại HLU, 2022)

Tóm tắt: Bảo hiến là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của nhà nước pháp quyền. Thiếu vắng cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp và độc lập thì khó có thể bảo vệ được hiến pháp với tư cách luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Việt Nam tiếp nhận phương thức tổ chức quyền lực kiểu Xô Viết, vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp, độc lập như ở các quốc gia phương Tây gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cùng với những điểm mới quan trọng của Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, trong đó có Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, cơ hội mới cho một mô hình, cơ chế bảo hiến tập trung, tương đối độc lập và chuyên nghiệp đang được mở ra. Bằng các phương pháp chủ yếu như phân tích quy phạm, so sánh, bài viết tập trung làm rõ hơn những cơ hội đó, đồng thời phân tích các đặc thù của mô hình, cơ chế bảo hiến Việt Nam trong mối tương quan với các chuẩn mực phổ quát và đưa đến kết luận về mô hình, cơ chế bảo hiến phù hợp qua đó góp phần quan trọng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Từ khóa: Bảo hiến, Nhà nước pháp quyền XHCN, cơ hội, tính phổ quát, tính đặc thù, Hiến pháp

1. Dẫn nhập

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây vừa là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn phát triển vừa là xu thế phát triển chủ đạo của thế giới hiện đại. Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 5 năm 2021, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, một quốc gia rất khó có thể xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền nếu không có một bản Hiến pháp với hiệu lực pháp lý tối thượng, được bảo vệ bởi một cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp và độc lập.[1] Hiến pháp tối thượng là sự bảo đảm cho sự tối thượng của luật pháp, là cơ sở để tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước. Hiến pháp không được bảo vệ thì pháp luật không thể có vị trí tối thượng và khi pháp luật không có vị trí tối thượng thì không thể có được pháp quyền bởi pháp luật tối thượng là thuộc tính phổ quát của nhà nước pháp quyền.

Việt Nam đã tiếp nhận mô hình Xô Viết trong tổ chức, vận hành quyền lực và quản lý xã hội. Từ những năm 1950 cho đến tận cuối những năm 1980, mô hình này cơ bản được áp dụng tương đối triệt để tại Việt Nam. Hiện nay, dù có nhiều những cải cách và đổi mới quan trọng, song các nguyên tắc cơ bản của phương thức tổ chức quyền lực kiểu Xô Viết vẫn đang hiện hữu. Sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội, định hướng đi lên CNXH, tập trung dân chủ, sự thống nhất của quyền lực Nhà nước[2] hay Quốc hội được định vị là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vẫn là là những nguyên tắc, định hướng quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo mô hình đó, chức năng lập hiến và lập pháp được giao đồng thời cho Quốc hội.[3] Trong điều kiện ấy vấn đề bảo hiến ít được quan tâm và thường trao cho rất nhiều chủ thể khác nhau thực hiện. Thực tế cũng cho thấy, bảo hiến không hiệu quả trong mô hình Quốc hội vừa lập pháp vừa lập hiến và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Rất ít cơ hội để Quốc hội tự thừa nhận một đạo luật/dự luật do chính mình làm ra là vi hiến. Các chủ thể quyền lực khác đều phái sinh từ Quốc hội và vì lý do nào đó, việc đề nghị hủy hay đình chỉ một văn bản luật vì lý do vi hiến cũng không dễ dàng được các chủ thể khác nhau trong hệ thống công quyền thực hiện.

Kể từ sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, ở Việt Nam đã xuất hiện những cơ sở quan trọng cho việc xuất hiện cơ chế bảo hiến trên thực tế. Ngoài nhu cầu cấp thiết của sự phát triển, áp lực từ xu hướng của thế giới, Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật phát triển trên cơ sở của Hiến pháp này đã tạo ra những tiền đề rất quan trọng và chín muồi để cơ chế bảo hiến tập trung, chuyên nghiệp và tương đối độc lập, phù hợp với bối cảnh Việt Nam ra đời. Bài viết này, trên cơ sở sử dụng các phương pháp phân tích quy phạm, so sánh và tổng hợp sẽ làm rõ hơn những điều kiện, tiền đề ấy và đề xuất mô hình bảo hiến tương thích với các chuẩn mực, yêu cầu phổ quát nhưng phù hợp với một số điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay.

2. Những cơ hội mới

Xây dựng cơ chế bảo hiến đã được thảo luận nhiều lần ở Việt Nam ở cấp cao nhất. Khả năng xuất hiện thiết chế bảo hiến đã rõ ràng hơn rất nhiều khi các dự thảo của Hiến pháp năm 2013 được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến và lý do khác nhau nên một cơ chế bảo hiến đã chưa được ghi nhận ngay trong Hiến pháp.

Mặc dù vậy Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra những tiền đề vô cùng quan trọng cho dự ra đời và hoạt động của thiết chế bảo hiến phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Có thể kể đến:

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”[4] Đây là nội dung rất quan trọng để bảo đảm tối thiểu về mặt lý thuyết rằng Hiến pháp là hiện thân của ý chí và chủ quyền nhân dân, nhân dân là chủ thể của chủ quyền quốc gia; quyền lập hiến là quyền nguyên thủy, thông qua lập hiến, nhân dân thành lập ra nhà nước, ủy quyền cho nhà nước, ấn định những cung cách tổ chức và điều hành của nhà nước.[5] Như K.C. Wheare nhận định “sự tối thượng pháp lý của Hiến pháp được đặt trên ý nguyện của nhân dân”.[6]

Việc ghi nhận quyền lập hiến thuộc về Nhân dân Việt Nam là tiền đề quan trọng bởi nếu không ghi nhận quyền này, tính tối thượng của Hiến pháp không được bảo đảm. Hiến pháp với tư cách là luật gốc, luật cơ bản nếu được làm ra bởi một cơ quan của Nhà nước dù rằng, cơ quan đó là cơ quan đại diện cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đi chăng nữa thì cũng không đủ cơ sở để nói về những biểu hiện cơ bản của nhà nước pháp quyền. Nếu Hiến pháp không có vị trí tối thượng và không xuất phát từ chủ quyền nhân dân thì việc bảo hiến cũng không còn nhiều ý nghĩa. Bởi chức năng chính của bảo hiến chính là ở chỗ ngăn chặn những vi phạm hiến pháp từ phía công quyền (nhà nước) và trên hết, trước hết chính là ngăn chặn vi phạm hiến pháp từ cơ quan lập pháp.

Cùng với thay đổi về chủ thể nắm giữ quyền lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã sử dụng một kỹ thuật mới với triết lý “thực hiện quyền”. Trên thực tế, ở Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã ghi nhận trong Điều 2 “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” Tuy nhiên, với quy định này, nội hàm của tư tưởng “thực hiện quyền” chưa được làm rõ. Chỉ đến Hiến pháp năm 2013, triết lý thực hiện quyền mới được thể hiện rõ nét và có tính hệ thống. Theo Hiến pháp năm 2013, Nhân dân là chủ thể nắm giữ quyền lập hiến, Quốc hội chỉ là cơ quan “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”.[7] Cùng với Quốc hội, Chính phủ được giao thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân được giao thực hiện quyền quyền tư pháp.[8]

Theo triết lý này, Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến nhưng Nhân dân ủy thác cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến và, đương nhiên, cả việc thực hiện quyền lập pháp. Quyền lực chỉ được giao để thực hiện chứ không chuyển giao quyền. Nhân dân vẫn là chủ thể nắm quyền/sở hữu quyền quan trọng nhất và nguyên thủy nhất là quyền lập hiến và chỉ giao cho Quốc hội thực hiện quyền chứ không chuyển giao quyền. Ở góc độ nào đó có thể liên hệ để thấy được tính chất tương tự với chế định quyền sở hữu đất đai ở nước ta khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu còn người dân, doanh nghiệp… được chuyển giao quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.

Thay đổi này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà còn tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng thiết chế bảo hiến để bảo vệ các nền tảng và tính tối thượng của Hiến pháp trong điều kiện Việt Nam. Nhân dân trao cho/ủy nhiệm cho Quốc hội thực hiện quyền thì Nhân dân hoàn toàn có thể xây dựng cơ chế để bảo vệ, giám sát thực hiện quyền lập hiến và thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp bởi Quốc hội và các chủ thể công quyền khác nhằm bảo vệ Hiến pháp. Alexander Hamilton đã rất đúng đắn khi cho rằng “Hoạt động của kẻ thừa nhiệm sẽ trở thành vô hiệu nếu đi ngược lại sự ủy thác, đó là quan niệm đặt trên các nguyên tắc hết sức minh bạch. Do đó, mọi hoạt động lập pháp đi ngược lại Hiến pháp không thể có hiệu lực… Hiến pháp phải được tôn trọng hơn quy pháp, ý muốn của kẻ thừa nhiệm nhân dân….”[9] Như vậy, giờ đây Quốc hội là chủ thể được ủy nhiệm thực hiện quyền chứ không phải là chủ thể nắm quyền và vì vậy hoàn toàn có cơ sở hiến định để Nhân dân thiết lập một cơ chế bảo hiến nhằm giám sát việc thực hiện quyền để bảo vệ tính tối thượng của Hiến pháp – bảo vệ ý chí, chủ quyền nhân dân. Dù trên thực tế, quyền lập hiến ở Việt Nam vẫn do Quốc hội thực hiện, nhưng chỉ với những thay đổi cơ bản về kỹ thuật và triết lý như đã phân tích ở trên Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở và cơ hội quan trọng để bảo hiến xuất hiện trên thực tế.

Thứ hai, Hiến pháp tạo cơ sở cho sự ra đời của một thiết chế bảo hiến thông qua quy định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.[10]

Thông thường, những vấn đề cơ bản của cơ chế bảo vệ hiến pháp sẽ được quy định trực tiếp bởi Hiến pháp bởi bảo hiến là vấn đề hiến định. Hiến định cơ chế bảo hiến là sự bảo đảm cho bảo hiến được tôn trọng, vận hành hiệu quả và độc lập. Bảo hiến phải là một yêu cầu từ phía người dân và được ghi nhận ngay trong Hiến pháp. Tuy vậy, đặt trong điều kiện của Việt Nam, việc ghi nhận một nghĩa vụ cho Nhà nước (Quốc hội) phải định ra cơ chế bảo hiến đã là bước tiến vượt bậc. Ghi nhận nội dung này trong Hiến pháp đồng nghĩa Nhân dân giao cho Quốc hội xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Chừng nào Quốc hội chưa xây dựng được thì khi đó Quốc hội còn nợ và phải giải trình trước Nhân dân về thực hiện nghĩa vụ này. Đây được coi là một cơ hội nữa để bảo hiến sớm được định hình ở Việt Nam.

Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.[11]

Quy định “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp” không phải là mới và được tìm thấy ở Hiến pháp trước đó của Việt Nam. Tuy nhiên, với quy định “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý” thì lại là một vấn đề hoàn toàn mới. Lần đầu tiên, Hiến pháp nhắc tới vi phạm hiến pháp và yêu cầu xử lý vi phạm hiến pháp.

Thực tế, ở Việt Nam, vi phạm hiến pháp và trách nhiệm hiến pháp chưa bao giờ được ghi nhận một cách chính thức và chính thống[12] mà mới chỉ thừa nhận các loại vi phạm hình sự, vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật và vi phạm dân sự. Điều này cũng dễ hiểu vì để xác nhận có hay không vi phạm hiến pháp thì cần phải có quy trình xử lý và trong trường hợp này không quy trình nào khác ngoài là tố tụng hiến pháp. Tố tụng hiến pháp chính là một trong những nội dung cơ bản của cơ chế bảo vệ hiến pháp. Hiện nay, Việt Nam chưa có được cơ chế phát hiện và xử lý vi phạm hiến pháp và đó là cơ sở quan trọng, là cơ hội cho sự ra đời của bảo hiến. Không có bảo hiến thì không thể phát hiện và xử lý được các vi phạm hiến pháp. Không phát hiện và xử lý được vi phạm hiến pháp thì không thể bảo vệ được hiến pháp và, cùng với đó, tất nhiên, quy định nói trên của Hiến pháp năm 2013 không có ý nghĩa thực tiễn, không được tôn trọng và thực hiện.

Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 quy định về khả năng tổ chức trưng cầu ý dân về Dự thảo Hiến pháp hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp[13] và Luật Trưng cầu ý dân đã được Quốc hội khóa XIII ban hành từ năm 2015. 

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã khẳng định quyền lập hiến là của Nhân dân nhưng Nhân dân không trực tiếp thực hiện mà trao cho Quốc hội việc thực hiện quyền này. Vì vậy, cơ chế bảo hiến cần thiết phải được thông qua bởi Nhân dân vì rằng nếu Quốc hội cũng quyết định luôn về cơ chế bảo hiến thì sẽ bị “vừa đá bóng vừa thổi còi” và không nhận được sự ủng hộ ít nhất là trên khía cạnh tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền. Sẽ khó khăn nếu Hiến pháp không ghi nhận khả năng thực hiện trưng cầu ý dân về Hiến pháp và Luật trưng cầu ý dân chưa có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nút thắt được mở ra khi Hiến pháp đã quy định về khả năng tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp và Luật Trưng cầu ý dân quy định rất rõ về những vấn đề được đưa ra để trưng cầu ý kiến Nhân dân, trong đó có “Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp”.[14]

Như vậy, nếu coi cơ chế bảo hiến là một nội dung quan trọng của Hiến pháp thì việc đưa nội dung về “cơ chế bảo vệ Hiến pháp” ra trưng cầu ý kiến nhân dân sẽ vừa hợp hiến, hợp pháp và hợp với nguyên tắc pháp quyền mà Việt Nam đang theo đuổi.

Điều này có nghĩa Việt Nam nên sửa đổi, bổ sung Điều 119 và Điều 120 của Hiến pháp hiện hành. Ngay tại hai điều này cần bổ sung những nội dung và nguyên tắc cơ bản của cơ chế và mô hình bảo hiến rồi đưa dự thảo sửa đổi, bổ sung đó ra trưng cầu ý dân. Còn những nội dung chi tiết thì giao cho Quốc hội quy định bằng một đạo luật theo trình tự lập pháp.

Sở dĩ tác giả cho rằng cần sửa đổi Hiến pháp ở nội dung này là bởi như đã đề cập ở trên, những vấn đề cơ bản về mô hình và cơ chế bảo hiến cần được thể hiện ngay trong Hiến pháp vì đó là vấn đề hiến định, là cơ chế để Nhân dân giám sát thực hiện quyền lập hiến đang được trao cho Quốc hội thực hiện. Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực gần một thập kỷ và việc sửa đổi một vài điều khoản cũng không có gì ngạc nhiên theo kinh nghiệm của lịch sử lập hiến Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là ở trong bối cảnh đất nước đang phát triển năng động và hội nhập mạnh mẽ như ngày nay. Việc đưa ra trưng cầu ý dân về nội dung này, theo quan điểm cá nhân của tác giả sẽ là minh chứng rõ nét cho thấy Việt Nam nhận thức rõ và luôn nỗ lực tuân thủ tốt các nguyên tắc pháp quyền phổ quát, tôn trọng thực thi các quy định của Hiến pháp, khẳng định tôn trọng và đưa vào thực thi các hình thức dân chủ trực tiếp, cùng với đó, đây cũng là cơ hội để Luật trưng cầu ý dân được đưa vào sử dụng để tạo nên các giá trị căn bản của pháp quyền.

Thứ năm, cơ hội đến từ quyết tâm chính trị của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Đây là cơ hội cần được nhắc tới khi bàn về khả năng ra đời của cơ chế bảo hiến ở nước ta. Quyết tâm chính trị được thể hiện rất rõ ngay từ trong nội dung Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho đến các hành động quyết liệt để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Nhân dân, cộng đồng khoa học nhận thức và cảm nhận rất rõ sự cầu thị, sự quyết liệt và quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi ban hành và tổ chức thực hiện Đề án nói trên. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, dù các quy định có tốt và tạo những tiền đề chính trị-pháp lý quan trọng mấy đi chăng nữa nhưng nếu thiếu quyết tâm chính trị và sự nghiêm túc, cầu thị, tâm huyết trong hành động của Lãnh đạo thì rất khó có thể thực hiện thành công như mong đợi. Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” hội tụ được tất cả những yếu tố đó và vì vậy, tác giả cho rằng đây cũng là cơ hội để bảo hiến hiện hữu trên thực tế ở Việt Nam. Bởi suy cho cùng, rất khó có được Nhà nước pháp quyền XHCN nếu không có được một cơ chế bảo hiến đúng như bản chất và sứ mệnh vốn có của nó.

3. Mô hình nào cho bảo hiến ở Việt Nam?

Các nghiên cứu về bảo hiến và khả năng áp dụng ở Việt Nam đã được các nhà khoa học thảo luận trong nhiều diễn đàn. Có thể kể đến các công trình của tác giả Đào Trí Úc, Vũ Công Giao về bảo hiến, chủ nghĩa hiến pháp và nhà nước pháp quyền, của tác giả Nguyễn Đăng Dung về vi phạm hiến pháp và các loại hình vi phạm hiến pháp, của tác giả Nguyễn Ngọc Điện bàn về mô hình tài phán hiến pháp cho Việt Nam và bảo đảm sự độc lập của cơ quan tài phán hiến pháp hay các nghiên cứu và đề xuất cụ thể của các tác giả Bùi Ngọc Sơn, Võ Trí Hảo, Đặng Minh Tuấn, Tào Thị Quyên… về mô hình bảo hiến cho Việt Nam.[15] Các nghiên cứu này đều phân tích về sự cần thiết phải thiết lập cơ chế bảo hiến, xử lý các vi phạm hiến pháp, yêu cầu đối với cơ chế bảo hiến và đề xuất những mô hình cụ thể như cần xây dựng một Tòa án Hiến pháp độc lập (Võ Trí Hảo),[16] mô hình cơ quan bảo hiến do Quốc hội thành lập nhưng hoạt động suốt đời và độc lập[17] hay một cơ chế bảo hiến chuyên trách nhưng ở một dạng thức yếu (Weak-Form) khi có một Tòa án Hiến pháp hay một thiết chế tương tự có quyền giải thích Hiến pháp, phán quyết tính hợp hiến của các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội nhưng vẫn để lại một cơ chế đối thoại cho phép Quốc hội phủ quyết phán quyết bằng một cơ chế đa số mạnh hoặc sửa các văn bản do mình ban hành để phù hợp với Hiến pháp (Bùi Ngọc Sơn)[18]

Các phân tích và đề xuất có ý nghĩa rất lớn cho việc nghiên cứu và xây dựng mô hình bảo hiến của Việt Nam. Tuy nhiên, các đề xuất này chủ yếu được đưa ra trước khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực và khi những “cơ hội” mới được phân tích ở trên chưa xuất hiện,vì vậy những cơ sở pháp lý mới, điều kiện, bối cảnh mới chưa được đề cập đến.

Trên thế giới, từ góc độ tổ chức, theo nghiên cứu của Arne Mavčič, các thiết chế bảo hiến có thể chia thành các mô hình sau: 1) Mô hình Mỹ; 2) Mô hình châu Âu lục địa; 3) Mô hình hỗn hợp (Mỹ - châu Âu lục địa); 4) mô hình Nghị viện đồng thời có chức năng bảo hiến và một số nền tài phán hiến pháp chưa thể phân loại.[19]

Việt Nam hiện nay đang vận hành cơ chế bảo hiến phi tập trung và Quốc hội được trao quyền cao nhất về bảo hiến. Tuy nhiên, mô hình này được chứng minh là không hiệu quả và Việt Nam đang cần một mô hình mới đặc biệt trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Vậy mô hình bảo hiến nào cho Việt Nam hiện nay?

Dường như, việc trao quyền bảo hiến cho tòa án thường theo mô hình phi tập trung của Mỹ không phù hợp với Việt Nam bởi: 1) Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hệ thống tòa án nhân dân được trao quyền thực hiện quyền tư pháp nhưng lại là cơ quan phái sinh từ Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng do Quốc hội bầu và việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Nhân dân cần được Quốc hội phê chuẩn; 2) Việt Nam không có án lệ vận hành theo nguyên tắc “stare decisis”; 3) Mô hình Mỹ phù hợp với nhà nước được thiết kế theo nguyên tắc tam quyền phân lập, còn Việt Nam thì không theo nguyên tắc này… Chỉ với các trở lực này, rất khó để có được một thiết chế bảo hiến độc lập, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Mô hình châu Âu lục địa không trao chức năng bảo hiến cho tòa án thường mà trao cho cơ quan chuyên trách như Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp. Mô hình này phù hợp với Việt Nam hơn cả vì pháp luật Việt Nam có nhiều mối liên hệ với truyền thống pháp luật châu Âu lục địa.

Mô hình bảo hiến hỗn hợp là khi chức năng bảo hiến được giao cho cả cơ quan bảo hiến chuyên trách và tòa án thường. Tuy nhiên, chỉ có cơ quan bảo hiến chuyên trách mới có quyền đưa ra phán quyết về một đạo luật hay một quyết định là vi hiến, còn tòa án thường thì chỉ có quyền không áp dụng đạo luật đó nếu cho rằng đạo luật đó vi hiến mà không có quyền tuyên đạo luật vi hiến.[20] Mô hình này khó áp dụng ở Việt Nam do vị trí của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước, tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan phái sinh từ cơ quan quyền lực nên việc từ chối áp dụng một đạo luật khi cho rằng đạo luật đó không hợp hiến là khó chấp nhận được và nguy cơ tạo xung đột pháp luật, gây trở ngại cho tính thống nhất của pháp luật.

Mô hình nghị viện/Quốc hội đồng thời thực hiện chức năng bảo hiến được cho là mô hình kém hiệu quả nhất do nghi ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thực tế ở các quốc gia theo mô hình này đều cho thấy sự không hiệu quả của nó.

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam nên xem xét mô hình châu Âu lục địa. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị, mô hình tổ chức quyền lực ở Việt Nam tương đối khác biệt với châu Âu lục địa, vì vậy, cần cân nhắc để bảo hiến được thiết laapj phù hợp, vừa thỏa mãn được các thuộc tính phổ quát của một cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp, độc lập nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Cơ chế, mô hình bảo hiến Việt Nam cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, mô hình, cơ chế bảo hiến phải phù hợp với các nguyên tắc, mô hình tổ chức quyền lực ở Việt Nam hiện nay và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước.

Bảo hiến không thể xung đột với các nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam như: “Đảng lãnh đạo”, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, “Tập trung dân chủ”, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”… và mô hình Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bảo hiến Việt Nam cũng không thể xa rời mục tiêu đi lên CNXH và bản chất của NNPQ XHCN Việt Nam.

Thứ hai, bảo hiến phải độc lập và chuyên nghiệp. Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam cần được bảo đảm độc lập cả về tổ chức và hoạt động phù hợp bối cảnh, điều kiện Việt Nam. Bảo hiến có thể được thiết kế độc lập với hệ thống các cơ quan nhà nước, các thành viên tham gia thiết chế này được bảo đảm độc lập về tổ chức và hoạt động nhưng không nhất thiết phải độc lập về chính trị bởi đặc thù về tính nhất nguyên và trong điều kiện một Đảng cầm quyền. Yêu cầu độc lập về chính trị ở các quốc gia theo mô hình tam quyền phân lập và đa đảng là yêu cầu hợp lý, chính đáng bởi lẽ các thành viên của thiết chế bảo hiến không thể và không nên là thành viên của các nhóm hay lực lượng chính trị khác nhau bởi trong điều kiện đa đảng nếu không đặt ra yêu cầu trung lập chính trị sẽ dẫn đến khả năng những phán quyết/quyết định của thiết chế này bị thao túng, mất đi tính công bằng trong cạnh tranh chính trị và nguy cơ bảo hiến được sử dụng như là công cụ cho các lực lượng chính trị thao túng quyền lực nhà nước.  

Sự độc lập của mô hình bảo hiến Việt Nam còn hàm ý sự độc lập của bảo hiến với chính Quốc hội với tư cách là cơ quan thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp. Để độc lập cơ chế bảo hiến cần được phê chuẩn hay thông qua trực tiếp bởi người dân, thể hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, được thiết lập để kiểm soát Quốc hội và các thiết chế thực hiện quyền lực khác. Điều này không trái với mô hình tổ chức quyền lực hiện nay bởi Quốc hội vẫn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp. Do Hiến pháp hiện hành đã bỏ đi thuật ngữ “là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp” nên Nhân dân đã có thể quyết định cơ chế, mô hình bảo hiến bằng hình thức dân chủ trực tiếp nhằm kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chứ không làm mất đi bản chất hay vị trí, vai trò của Quốc hội. Về mặt thực chất, bảo hiến được lập ra để bảo đảm Quốc hội luôn thực hiện đúng các quyền mà được Nhân dân ủy nhiệm cho, ngăn chặn các hành vi vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp.

Bảo hiến phải chuyên nghiệp và sự chuyên nghiệp này thể hiện ở tính chuyên trách của hoạt động, thiết chế bảo hiến và năng lực chuyên môn của các thành viên tham gia bảo hiến. Yêu cầu này phù hợp với văn hóa và triết lý của truyền thống pháp luật châu Âu lục địa mà hệ thống pháp luật Việt Nam có mối liên hệ và ngày càng trở nên gần gũi.

 Thứ ba, các nguyên tắc, nội dung cơ bản của cơ chế và mô hình bảo hiến cần được ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp. Các nội dung chi tiết của nó có thể được quy định trong một đạo luật được xây dựng theo quy trình lập pháp nhưng nền tảng của bảo hiến phải được hiến định. Luật về bảo hiến không được trái với những nội dung và nguyên tắc cơ bản đã được Hiến pháp quy định. Chỉ khi được hiến định thì thiết chế bảo hiến mới đủ năng lực và thẩm quyền kiểm tra, giám sát Quốc hội trong thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp.

Thứ tư, các quy định về bảo hiến có thể được xây dựng bởi Quốc hội hiện hành, nhưng để bảo đảm sự độc lập, ít nhất là trên khía cạnh lý thuyết tổ chức quyền lực thì các quy định đó phải được đem ra toàn dân phúc quyết theo quy định của Hiến pháp và Luật Trưng cầu ý dân. Việc người dân phúc quyết về cơ chế và mô hình bảo hiến trong Hiến pháp là sự bảo đảm cho sự độc lập tương đối của thiết chế bảo hiến với Quốc hội – vấn đề mà xã hội luôn tranh luận và nhận được sự quan tâm.

Mô hình bảo hiến nào cho Việt Nam?

Từ những phân tích ở trên, thiết nghĩ, mô hình tài phán hiến pháp (Tòa án Hiến pháp) hoặc Hội đồng Hiến pháp dường như là khả dĩ với Việt Nam hơn cả. Tuy nhiên, nếu thiết lập một Tòa án Hiến pháp thì bên cạnh những ưu điểm như đậm nét về chuyên môn, tính chuyên nghiệp, thủ tục tố tụng chặt chẽ và khả năng sẽ có được một nền tài phán hiến pháp tương đối mạnh mẽ. Tuy vậy, Tòa án Hiến pháp cũng có những vấn đề cơ bản sau:

-                Thuật ngữ “tòa án” ở Việt Nam thường được gắn với hệ thống tòa án nhân dân. Thông thường, trong mô hình tổ chức quyền lực ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia XHCN trước đây, Tòa án là cơ quan xét xử nhằm bảo đảm pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ và các quyền, lợi ích khác của Nhà nước, xã hội và người dân. Gần đây, ở Việt Nam, tòa án mới được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý. Tuy vậy, trong nhận thức và ý thức hệ pháp luật XHCN, tòa án là thiết chế phái sinh từ Quốc hội (hay Xô Viết tối cao hoặc Đại hội đại biểu Xô Viết toàn quốc) và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan này ủy thác liên quan đến công tác xét xử. Trong mô hình quyền lực nhà nước là thống nhất (trước đây là Tập quyền XHCN) thì không thể có hệ thống tòa án được giao nhiệm vụ giám sát và chống lại các văn bản của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong mô hình này không có kiềm chế, đối trọng quyền lực và không có phân quyền. Xây dựng Tòa án có chức năng chống lại các quyết định của Quốc hội là trái với lý thuyết tổ chức quyền lực và khó tạo nên sự thống nhất.

-                Tòa án Hiến pháp thực chất không phải là tòa án theo nhận thức thông thường mà là thiết chế đặc biệt với quy trình tố tụng đặc biệt để chống lại các chủ thể đặc biệt. Tài phán hiến pháp khác với tài phán thường vì cần nằm bên ngoài quyền lực nhà nước và được tạo ra để bảo vệ chủ quyền nhân dân trước những sai phạm của nhà nước nói chung mà trước hết là Quốc hội/Nghị viện. Trong văn hóa pháp lý của Việt Nam điều này có lẽ là chưa được nhận thức đầy đủ và chưa được chấp nhận.

Mô hình tổ chức quyền lực kiểu Việt Nam, dù có nhiều cải cách nhưng về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng mô hình Xô Viết. Theo đó, Hội đồng luôn là thuật ngữ dễ được chấp nhận và có tính tương thích hơn cả. Xét trong tổng thể mô hình và văn hóa pháp luật đã được chấp nhận rộng rãi thì mô hình Hội đồng Hiến pháp có lẽ dễ được chấp nhận và tính tương thích hơn cả.

Hội đồng Hiến pháp nếu được xây dựng thì cần phải tuân thủ các yêu cầu cơ bản như đã được nêu ở trên. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức và thẩm quyền, thiết nghĩ, cần có một số lưu ý sau:

(1)      Về tổ chức:

-         Hội đồng Hiến pháp nên được thành lập ở một địa điểm khác ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm từ Đức cho thấy thiết chế bảo hiến sẽ tạo cảm giác độc lập hơn nếu có khoảng cách địa lý ngoài trung tâm chính trị hành chính lớn hay ở Thủ Đô của nước đó.[21] Nên chăng đặt ở TP Huế bởi đây là địa điểm trung tâm của hai đầu Nam Bắc, là Cố đô và cũng là địa điểm có tính biểu tượng về văn hóa, lịch sử, thuận tiện về giao thông.

-         Hội đồng Hiến pháp nên có từ 9 đến 11 thành viên theo nguyên tắc số lẻ. Các thành viên phải được lựa chọn theo các tiêu chí như sự liêm chính, đạo đức trong sáng, là chuyên gia lớn và uy tín về Luật Hiến pháp, có kinh nghiệm thực tiễn và/hoặc thuộc giới hàn lâm nhiều kinh nghiệm. Các thành viên Hội đồng bình đẳng với nhau và Chủ tịch Hội đồng được bầu ra bởi chính các thành viên trong số các thành viên Hội đồng. Thành viên Hội đồng không phải là công chức nhà nước, được bảo đảm độc lập bằng chế độ công vụ đặc biệt;

(2)    Về chức năng, nhiệm vụ:

-         Có thẩm quyền trực tiếp hoặc theo đề nghị của các chủ thể được Hiến pháp quy định kiểm tra tính hợp hiến của các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội;

-         Có thẩm quyền trực tiếp hoặc theo đề nghị của các chủ thể được Hiến pháp quy định kiểm tra tính hợp hiến của các luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực pháp luật;

-         Giải thích Hiến pháp;

-         Đưa ra các kết luận về hành vi vi phạm hiến pháp thực hiện bởi các chủ thể Luật Hiến pháp và hình thức xử lý;

-         Đưa ra kết luận về những tranh chấp về thẩm quyền nếu có giữa các cơ quan, thiết chế được hiến định.

Trong điều kiện của Việt Nam, khuyến nghị về “dạng thức mềm” của tác giả Bùi Ngọc Sơn như phân tích ở trên rất có ý nghĩa thực tiễn và có thể cân nhắc áp dụng. Các giải thích Hiến pháp và các Kết luận về vi hiến của các dự luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội hay các luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực pháp luật nếu có xung đột với ý kiến của Quốc hội thì có thể vận hành Cơ chế đối thoại để giải quyết xung đột. Theo đó, một cơ chế đối thoại có thể được thành lập gồm đại diện của Hội đồng Hiến pháp và Quốc hội để tham vấn, giải trình, đối thoại về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Kết quả của hoạt động này sẽ được báo cáo trước Quốc hội bởi đại diện của Hội đồng tham gia cơ chế đối thoại và sau khi nghe báo cáo, Quốc hội vẫn ủng hộ quan điểm của mình với số phiếu ¾ đại biểu tham dự tán thành thì quan điểm của Quốc hội được coi là Kết luận cuối cùng.

4. Tính phổ quát và tính đặc thù của Hội đồng Hiến pháp Việt Nam

4.1. Tính phổ quát của Hội đồng Hiến pháp

Đề xuất về một Hội đồng Hiến pháp Việt Nam như được nêu trên bảo đảm tính phổ quát của thiết chế, cơ chế, mô hình bảo hiến trong xã hội pháp quyền. Điều này thể hiện ở chỗ:

- Những nguyên tắc, nội dung cơ bản của cơ chế, mô hình bảo hiến được quy định trực tiếp trong Hiến pháp và được người dân thông qua bằng trưng cầu ý dân. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp và là biểu hiện rõ nhất của chủ quyền nhân dân trong thực hiện quyền lập hiến;

- Sự độc lập và tính chuyên nghiệp của Hội đồng bảo hiến được bảo đảm phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam;

- Các tiêu chuẩn của thành viên và thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp Việt Nam về cơ bản tương thích với các mô hình bảo hiến tiên tiến trên thế giới hiện nay;

- Hội đồng Hiến pháp Việt Nam được xếp vào loại bảo hiến tập trung và nhóm này đang là mô hình chiếm ưu thế tuyệt đối trong thế giới hiện đại[22];

- Hội đồng Hiến pháp là cơ sở của nền pháp quyền XHCN, bảo đảm tính thượng tôn của Hiến pháp. Cơ chế này sẽ bảo đảm sự thượng tôn của Hiến pháp, bảo đảm hiệu lực thực tế của Hiến pháp, ngăn chặn và xử lý các vi phạm Hiến pháp và điều này sẽ khẳng định hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp và chỉ có trong điều kiện đó, pháp luật mới có vị trí tối thượng;

- Hội đồng Hiến pháp góp phần bảo đảm các vi phạm Hiến pháp đều bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý bằng tố tụng hiến pháp;

- Hội đồng Hiến pháp là cơ chế dân chủ, thể hiện rõ nét chủ quyền nhân dân, bảo vệ quyền lập hiến của người dân;

- Góp phần làm rõ hơn và tách bạch hơn hai chức năng “thực hiện quyền lập hiến” và “thực hiện quyền lập pháp” của Quốc hội Việt Nam.

- Phần nào trả lời được câu hỏi mà nhiều học giả quan tâm khi bàn về cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam: “Ai giám sát Quốc hội?”. Quốc hội bên cạnh sự giám sát của Nhân dân thì hiện nay có một thiết chế giám sát hiệu quả khác đó chính là Hội đồng Hiến pháp.

4.2. Tính đặc thù của Hội đồng Hiến pháp Việt Nam

Hội đồng Hiến pháp như mọi thiết chế, chế định pháp luật hay quyền lực khác đều chịu sự tác động của điều kiện, bối cảnh cụ thể của nơi mà nó được sinh ra hay được thiết lập nên. Điều này là hoàn toàn phù hợp và biện chứng. Hội đồng Hiến pháp Việt Nam đương nhiên phải có đầy đủ các giá trị phổ quát để thiết chế này đúng với bản chất là cơ quan bảo vệ Hiến pháp, gìn giữ sự tôn nghiêm, thượng tôn của Hiến pháp với tư cách là luật gốc, luật cơ bản của một quốc gia. Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp cũng có những đặc thù gắn với điều kiện chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội Việt Nam. Có thể kể đến:

- Các thành viên của Hội đồng Hiến pháp không nhất thiết phải trung lập về chính trị trong điều kiện chỉ có một Đảng cầm quyền và không có cạnh tranh về chính trị;

- Sự hình thành, vận hành và phát triển của Hội đồng Hiến pháp đặt dưới sự lãnh đạo chung của Đảng Công sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng Hiến pháp cần bảo đảm sao cho tính đặc thù không làm triệt tiêu tính phổ quát của thiết chế bảo hiến hiện đại;

- Trong điều kiện và mô hình tổ chức quyền lực ở Việt Nam, cơ chế đối thoại giữa Quốc hội và Hội đồng Hiến pháp khi có xung đột trong việc giải thích hay Kết luận về sự vi hiến là phù hợp và khả thi;

- Thiết lập Hội đồng Hiến pháp về cơ bản phù hợp với mô hình tổ chức quyền lực “mang tính chất hội đồng/Xô Viết” và văn hóa, ý thức pháp luật của Việt Nam và cũng phù hợp với nguyên tắc thống nhất quyền lực và Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; Phù hợp với triết lý “Thực hiện quyền” đặc sắc được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

5. Kết luận

Bảo hiến là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam. Không thể có nhà nước pháp quyền nếu bản thân Hiến pháp – luật cao nhất không được bảo vệ bởi một thiết chế độc lập, chuyên nghiệp và phù hợp.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực và hệ thống pháp luật được hoàn thiện trên tinh thần Hiến pháp ấy cùng với nỗ lực, quyết tâm của Đảng vả Nhà nước trong xây dựng NNPQXHCN Việt Nam, nhiều cơ hội cho việc thành lập cơ chế và mô hình bảo hiến đã xuất hiện. Đó là sự ghi nhận chủ thể nắm quyền lập hiến là Nhân dân và Quốc hội chỉ là cơ quan được giao thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; là sự ủy thác cho Quốc hội phải luật định cơ chế bảo hiến; là ghi nhật triết lý “thực hiện quyền”, khẳng định xử lý các vi phạm hiến pháp… Những điều này đã tạo cơ hội cho sự ra đời của cơ chế bảo vệ Hiến pháp trên thực tế ở Việt Nam.

Rà soát, phân tích các mô hình bảo hiến trên thế giới và đánh giá các điều kiện Việt Nam hiện nay, tác giả cho rằng, thiết lập Hội đồng Hiến pháp là thích hợp hơn cả với điều kiện Việt Nam. Mô hình này vừa mang tính phổ quát và vẫn bảo đảm được tính đặc thù Việt Nam.

Hội đồng Hiến pháp Việt Nam có thể chưa phải là thiết chế và cơ chế hiện đại nhất, được nhiều người mong muốn nhất, nhưng, theo tác giả, đây là thiết chế và mô hình phù hợp nhất trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Sự xuất hiện của Hội đồng Hiến pháp cùng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và mong muốn cháy bỏng về sự phát triển thịnh vượng, hội nhập và hướng tới một xã hội pháp quyền thịnh vượng là sự bảo đảm quan trọng hàng đầu cho mục tiêu xây dựng và hoàn thiện NNPQXHCN Việt Nam trong tương lai. Đơn giản là vì không thể có pháp quyền nếu Hiến pháp không được bảo vệ thực chất và thực sự để nó luôn được tôn trọng, thực thi và luôn giữ vị trí trụ cột của hệ thống pháp luật, là luật gốc và có hiệu lực pháp lý cao nhất trên thực tế.

Tài liệu tham khảo

1)    Alexander Hamilton, James Madison and John Jay, The Federalist papers, No 80.

2)      Arne Mavčič, Historical steps in the Development of Systems of Constitutional review and Particularities of The Their Basic models: https://www.concourts.net/The%20Constitutional%20Review%20sample.pdf

3)      Bùi Ngọc Sơn, Bảo hiến chuyên trách ở Việt Nam và triển vọng ở một “dạng thức yếu”// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13 (221), tháng 7/2012.

4)    Đào Trí Úc, Vũ Công Giao, Bảo hiến, chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1+2 (210+211), tháng 01/2022.

5)    Đặng Minh Tuấn, Bảo hiến và vấn đề bảo vệ quyền con người (2015). NXB Tư pháp.

6)    Nguyễn Ngọc Điện, Mô hình tài phán hiến pháp nào cho Việt Nam// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 22 (207), tháng 11/2011.

7)    Mai Văn Thắng, Trách nhiệm hiến pháp trong bối cảnh cải cách pháp luật và nhu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội Số 5 (228)/2019.

8)    Văn phòng Quốc hội. Bàn về sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 (2012). NXB Lao động.

9)      Võ Trí Hảo, Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp – Những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1+2 (210+211), tháng 1/2012.

10)       https://kiemsat.vn/nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-viet-nam-vua-mang-tinh-pho-quat-vua-co-tinh-dac-thu-62563.html.

11)       Các bản Hiến pháp của Việt Nam các năm 2013, 1992, 1980, 1959 và 1946.

 



[1] Nước Anh có một bản Hiến pháp bất thành văn và được coi là loại Hiến pháp nhu tính. Đối với Hiến pháp nhu tính, yêu cầu bảo hiến không nhất thiết phải đặt ra. Tuy nhiên, cùng với các giá trị nhân quyền, dân chủ, văn hóa án lệ và sự vận hành của các tập quán chính trị và các giá trị khác thì trạng thái pháp quyền ở Anh vẫn đạt được. Tuy nhiên, ở các nước không có điều kiện ấy, sự hiện diện của một bản Hiến pháp cương tính và có cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp, độc lập là một trong những điều kiện để có được pháp quyền.

[2] Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045. Xem: https://kiemsat.vn/nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-viet-nam-vua-mang-tinh-pho-quat-vua-co-tinh-dac-thu-62563.html (Truy cập ngày 03/5/2022)

[3] Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 (sửa đổi 2001) đều khẳng định diều này.

[4] Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013

[5] Đặng Minh Tuấn, Bảo hiến và vấn đề bảo vệ quyền con người (2015). NXB Tư pháp, trang 18.

[6] K.C. Wheare, Hiến pháp tân tiến (Bản dịch Nguyễn Quang). Dẫn theo Đặng Minh Tuấn, Bảo hiến và vấn đề bảo vệ quyền con người (2015). NXB Tư pháp, trang 19.

[7] Điều 69 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

[8] Các Điều 94 và 104 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam

[9] Alexander Hamilton, James Madison and John Jay, The Federalist papers, No 80.

[10] Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

[11] Khoản 1 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

[12] Xem: Mai Văn Thắng, Trách nhiệm hiến pháp trong bối cảnh cải cách pháp luật và nhu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội Số 5 (228)/2019.

[13] Khoản 4 Điều 120 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

[14] Khoản 1 Điều 6 Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015.

[15] Xem thêm tại: Văn phòng Quốc hội. Bàn về sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 (2012). NXB Lao động.

[16] Võ Trí Hảo, Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp – Những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1+2 (210+211), tháng 1/2012.

[17] Nguyễn Ngọc Điện, Mô hình tài phán hiến pháp nào cho Việt Nam// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 22 (207), tháng 11/2011.

[18] Bùi Ngọc Sơn, Bảo hiến chuyên trách ở Việt Nam và triển vọng ở một “dạng thức yếu”// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13 (221), tháng 7/2012.

[19] Xem: Arne Mavčič, Historical steps in the Development of Systems of Constitutional review and Particularities of The Their Basic models: https://www.concourts.net/The%20Constitutional%20Review%20sample.pdf

[20] Xem: Đào Trí Úc, Vũ Công Giao, Bảo hiến, chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1+2 (210+211), tháng 01/2022.

[21] Xem thêm quan điểm của Võ Trí Hảo trong: Võ Trí Hảo, Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp – Những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia// Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1+2 (210+211), tháng 1/2012

[22] Xem: Đặng Minh Tuấn, Bảo hiến và vấn đề bảo vệ quyền con người (2015). NXB Tư pháp, trang 27.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.