Nhân Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật về hội, tôi cũng xin được có một vài ý kiến qua bài viết này. Không có luật thì hội vẫn hiện hữu trong đời sống, bởi đơn giản đó là những gì thuộc về nhu cầu và quyền tự nhiên của con người. Chỉ hi vọng, luật sẽ giúp người dân thực hiện quyền và thỏa mãn nhu cầu ấy một cách văn minh hơn mà thôi.
1. Khái quát về quyền tự do hiệp hội và pháp luật về hội ở Nga
1.1. Nội dung quyền tự do hiệp hội, phạm vi điều chỉnh của luật về hiệp hội ở Nga
1. Khái quát về quyền tự do hiệp hội và pháp luật về hội ở Nga
1.1. Nội dung quyền tự do hiệp hội, phạm vi điều chỉnh của luật về hiệp hội ở Nga
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới,
ở Nga không gọi là quyền lập hội hay luật về hội mà gọi là luật về hiệp hội xã
hội. Theo các nhà lập pháp Nga, quyền tự do hiệp hội hay luật về các hiệp hội
chính xác hơn và có nội hàm bao quát hơn. Tại Điều 3 của Luật “Về các hiệp hội xã hội” đã khẳng định, nội
dung của quyền hiệp hội bao gồm:
-
Quyền
thành lập các hội trên cơ sở tự nguyện nhằm bảo vệ các lợi ích chung hoặc đạt được
các mục tiêu chung;
-
Quyền
tham gia vào các hội đang tồn tại hoặc quyền không tham gia vào các hội ấy;
-
Quyền
ra khỏi các hội đó mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào.
Như vậy, nội hàm của quyền tự do hiệp
hội không chỉ đơn thuần là quyền lập hội mà còn các quyền tham gia vào các hội đã
được thành lập hoặc ra khỏi các hội đó.
Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật
hiện hành các nhà lập pháp Nga sử dụng thuật ngữ “các hiệp hội xã hội” thay cho thuật ngữ “hội” hay “lập hội”. Thiết
nghĩ, thuật ngữ này còn có ý nghĩa khác. Theo Luật Liên bang “Về các hiệp hội xã
hội”, thuật ngữ “hiệp hội xã hội” được hiểu
là các liên kết được lập ra theo sáng kiến của người dân trên cơ sở tự nguyện có
lợi ích chung để đạt những mục tiêu chung được quy định trong điều lệ của hiệp
hội.[1] Các liên kết này mang tính
chất xã hội không thuộc hoặc không chịu ảnh hưởng từ phía của nhà nước. Các hiệp
hội xã hội ở Nga không bao hàm những hiệp hội liên quan đến hoặc chịu sự tác động
từ phía quyền lực nhà nước, chính quyền tự quản địa phương. Các hiệp hội này phải
là các hiệp hội phi nhà nước – có nghĩa là các hiệp hội xã hội.
Theo pháp luật Nga hiện hành, phạm
vi điều chỉnh của Luật về hiệp hội bao gồm tất cả các loại hội xã hội trừ tổ chức
tôn giáo, các tổ chức nghiệp đoàn (công đoàn), tổ chức từ thiện và một số hiệp
hội đặc thù. Ngoài ra, luật về hiệp hội Nga cũng không điều chỉnh vấn đề tổ chức,
hoạt động của các tổ chức kinh tế và các hiệp hội phi lợi nhuận được các tổ chức
kinh tế này thành lập.
Các hiệp hội xã hội ở Nga luôn mang
tính chất xã hội và phi lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các tổ chức
này không được phép thực hiện các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. Pháp luật Nga
ghi nhận hai tiêu chí để xác định hội có tính chất phi lợi nhuận như sau:
- Thứ nhất, khi mục đích chính và hoạt
động chính để đạt được mục tiêu chính của hội đó không phải là tìm kiếm lợi nhuận;
- Thứ hai, lợi nhuận có được từ các hoạt
động của hội không được chia cho các thành viên (hoặc người tham gia nếu hội
không có thành viên).
Như vậy, các hội ở Nga hoàn toàn có quyền thực
hiện hoạt động tìm kiếm lợi nhuận nhưng lợi nhuận chỉ là phương tiện giúp cho các
tổ chức/liên kết có nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ chính và các thành viên
không được phép chia lợi nhuận từ hoạt động của hội.
Đối với các đảng phái chính trị, dù
coi đảng phái chính trị là một hình thức tổ chức của các hiệp hội xã hội và được
quy định trong Luật về hiệp hội xã hội (Điều 7), tuy nhiên, do yếu tố đặc thù
trong tổ chức, hoạt động cũng như mục tiêu và lĩnh vực hoạt động của các đảng
chính trị, các nhà lập pháp Nga đã ban hành đạo luật chuyên biệt điều chỉnh về
tổ chức và hoạt động của các đảng phái chính trị.[2]
1.2. Các hình thức hiệp hội xã hội ở Nga
1.2. Các hình thức hiệp hội xã hội ở Nga
Pháp luật Liên bang Nga xác định rõ
các hình thức hiệp hội xã hội ở Nga. Theo đó, có hai thuật ngữ được các nhà lập
pháp Nga phân biệt khá rõ ràng: “Organization”
(tiếng Nga: Организация) – tổ chức, và
“Associations” (tiếng Nga: Объединения) – hiệp hội (liên kết). Như
vậy, hội không chỉ là tổ chức mà hội còn có thể nhà những liên kết của các cá
nhân để thực hiện mục tiêu chung mà không cần hình thành một tổ chức có kết cấu
rõ ràng, không cần quy chế thành viên (chỉ cần tham gia là đủ) và cũng không cần
hoạt động thường xuyên, định kỳ. Theo quy định hiện hành, ở Nga có các hình thức
hội sau:
- Các tổ chức xã hội (Tiếng Nga: Общественная
организация): là một
hình thức liên kết xã hội của công dân dựa trên yếu tố thành viên được lập ra
trên cơ sở cùng hoạt động nhằm bảo vệ các lợi ích chung và đạt các mục tiêu
chung được ghi nhận trong Điều lệ tổ chức. Tổ chức xã hội nếu đăng ký với cơ quan
nhà nước thì có tư cách pháp nhân. Thành viên của tổ chức xã hội có thể là cá
nhân và pháp nhân (pháp nhân hiệp hội xã hội). Tổ chức xã hội với tư cách là một
hình thức của hiệp hội xã hội cũng có các hình thức của riêng mình.
-
Phong trào xã hội (Tiếng Nga: Общественное
учреждение): là sự
liên kết xã hội của những người dân và không có quy chế thành viên. Phong trào
xã hội không phải là một tổ chức mà là liên kết xã hội theo đuổi các mục tiêu xã
hội, chính trị hoặc các mục tiêu có ích cho xã hội khác mà được những người
tham gia phong trào ủng hộ và theo đuổi. Nếu thực hiện đăng ký thì cơ quan thường
trực của phong trào xã hội (Đại hội) được trao quyền của pháp nhân theo quy định
của pháp luật Liên bang.
-
Quỹ xã hội (Tiếng Nga: Общественный
фонд): Quỹ xã hội không
phải là tổ chức mà là một loại hình quỹ phi lợi nhuận, một hình thức liên kết xã
hội của người dân và không có quy chế thành viên. Quỹ xã hội được hình thành trên
cơ sở đóng góp tài sản tự nguyện hoặc các nguồn gây quỹ không trái pháp luật khác
để thực hiện các mục tiêu có lợi cho xã hội. Nếu Quỹ xã hội có đăng ký thành lập
thì sẽ được tổ chức và hoạt động theo quy chế dành cho các Quỹ được quy định
trong Bộ luật Dân sự Liên bang Nga.
-
Đơn vị sự nghiệp xã hội (Tiếng Nga: Общественное
учреждение): Đơn vị
sự nghiệp xã hội là một hình thức liên kết xã hội không có quy chế thành viên được
lập ra để cung ứng một loại dịch vụ nhất định đáp ứng lợi ích của những người
tham gia và phù hợp với mục tiêu của đơn vị sự nghiệp xã hội. Đơn vị sự nghiệp
xã hội cũng không phải là một tổ chức xã hội.
-
Sáng kiến nhân dân (Tiếng Nga: Орган
общественной самодеятельности): là một hình
thức liên kết xã hội của công dân lập ra tại chính nơi cư trú, làm việc, học tập
để cùng nhau giải quyết những vấn đề xã hội khác nhau nhằm thỏa mãn những nhu cầu
khác nhau của những người dân mà lợi ích của họ gắn liền với mục tiêu thành lập
của sáng kiến công dân cũng như liên quan đến việc thực hiện chương trình của
thiết chế này tại nơi nó được thành lập.
-
Đảng chính trị (Tiếng Nga: Политическая
партия): Đảng chính trị cũng được quy định
là một trong những hình thức của Luật về các hiệp hội xã hội Liên bang Nga. Đảng
chính trị là một tổ chức có thành viên, tuy nhiên, như đã nói, do tính chất đặc
thù, từ năm 2001 vấn đề tổ chức và hoạt động của đảng chính trị được điều chỉnh
bởi một luật chuyên biệt. Trước đó, vấn đề tổ chức và hoạt động của đảng chính
trị vẫn tuân theo quy định của luật này.
Ngoài những hình thức trên, theo Luật
các tổ chức phi lợi nhuận của Nga các tổ chức phi chính phủ phi lợi nhuận nước
ngoài cũng là các liên kết xã hội được tổ chức và hoạt động ở Nga thông qua các
chi nhánh và các văn phòng đại diện. Các liên kết của các tổ chức xã hội hay các
liên kết của các hình thức hiệp hội trên cũng được tổ chức và hoạt động theo quy
định của luật về hiệp hội ở Nga.
1.3. Những quy định về thành lập, tham
gia hội
Theo quy định hiện hành, việc thành
lập hội là quyền của công dân và trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, để thiết lập
được một hội cần thiết phải có tối thiểu 03 sáng lập viên là thể nhân. Đối với
các loại hình hiệp hội đặc biệt thì số lượng có thể được quy định trực tiếp ở
trong luật chuyên biệt. Bên cạnh những sáng lập viên là thể nhân, luật pháp cũng
cho phép sáng lập viên là pháp nhân nhưng với điều kiện pháp nhân đó phải là pháp
nhân thuộc một trong các hình thức hiệp hội xã hội.
Pháp luật Nga không quy định nghĩa vụ
phải đăng ký thành lập hội. Đăng ký là quyền của người dân.[3] Tuy nhiên, đối với một số
hình thức hiệp hội (ví dụ như tổ chức xã hội, phong trào xã hội, quỹ xã hội,…)
nhà nước khuyến khích đăng ký hiệp hội bằng những quy định như “trao quyền pháp
nhân” đối với tổ chức hoặc cơ quan thường trực của hiệp hội hay trao quy chế pháp
lý như trong trường hợp của Quỹ xã hội. Như
vậy, pháp luật không bắt buộc phải đăng ký hiệp hội nhưng khuyến khích đăng ký
khi thành lập hội. Vấn đề đặt ra là, khi nào một hình thức hiệp hội được
coi là thành lập?
Theo quy định tại Điều 18 Luật về các
hiệp hội xã hội, một hội được coi là thành lập khi:
-
Quyết
định thành lập hội;
-
Quyết
định thông qua điều lệ;
-
Quyết
định thông qua cơ quan lãnh đạo, cơ quan thanh kiểm tra.
Các quyết định này phải được thông
qua trên Đại hội thành lập của các sáng lập viên. Kể từ thời điểm các quyết định
này được thông qua, hội coi như thành lập và có quyền và nghĩa vụ theo quy định
của pháp luật. Tuy nhiên, như đã đề cập, để có quyền pháp nhân, hội phải đăng ký
ở trung tâm đăng ký pháp nhân và thể nhân và sẽ đăng ký trên Danh bạ liên bang
về đăng ký pháp nhân, thể nhân.
Đối với các sáng lập viên, thành viên
cũng như những người tham gia vào các hiệp hội xã hội, pháp luật quy định một số
yêu cầu sau:
-
Sáng
lập viên, thành viên, người tham gia phải đủ 18 tuổi trở lên nếu là thể nhân và
nếu là pháp nhân phải là pháp nhân hiệp hội xã hội (trừ những quy định khác cho
một số loại hình đặc thù). Đối với các tổ chức của tuổi trẻ thì độ tuổi của thành
viên hoặc người tham gia có thể là từ đủ 14 tuổi, đối với hiệp hội của trẻ em
thì tuổi của thành viên hoặc người tham gia có thể là từ đủ 08 tuổi.
-
Người
nước ngoài, người không quốc tịch cư trú hợp pháp ở Nga cũng có thể trở thành sáng
lập viên, thành viên hoặc người tham gia các hiệp hội xã hội (trừ khi điều ước
quốc tế mà Nga là thành viên hoặc các đạo luật liên bang có quy định khác);
Những trường hợp sau đây không thể là
sáng lập viên, thành viên hoặc người tham gia các hiệp hội xã hội ở Nga:
-
Những
người nước ngoài, người không có quốc tịch mà theo quy định của pháp luật Nga đã
có quyết định về việc “không mong muốn cho cư trú ở Nga”;
-
Những
cá nhân, tổ chức bị liệt vào danh sách phạm tội rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố
theo quy định của luật Liên bang;
-
Tổ
chức xã hội đã bị dừng hoạt động theo
quy định của Luật Liên bang về các biện pháp chống các hoạt động cực đoan;
-
Tô
chức, cá nhân mà có một phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án ghi nhận
là có dấu hiệu cực đoan trong hành vi;
-
Người
thi hành hình phạt tù theo bản án đã có hiệu lực của tòa án.
2) Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền tự do hiệp hội ở Nga
2.1. Bảo đảm bằng hiến định trực tiếp quyền tự do hiệp hội của người dân và các nguyên tắc hiến định bổ trợ tiến bộ
2) Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền tự do hiệp hội ở Nga
2.1. Bảo đảm bằng hiến định trực tiếp quyền tự do hiệp hội của người dân và các nguyên tắc hiến định bổ trợ tiến bộ
Tại Điều 30 Hiến pháp Nga quy định: “1) Mỗi người đều có quyền hiệp hội, bao gồm
quyền thành lập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình. Sự tự do hoạt động
của các hiệp hội xã hội được đảm bảo. 2) Không ai có thể bị ép buộc gia nhập hoặc
tham dự vào bất kỳ một hiệp hội nào”.
Như vậy, khác với nhiều bản hiến pháp
trên thế giới, Hiến pháp Nga đã ghi nhận trực tiếp quyền này trong Hiến pháp -
Luật cơ bản của quốc gia. Đây là sự bảo đảm chắc chắn nhất bởi lẽ Hiến pháp Nga
có hiệu lực trực tiếp và có hiệu lực pháp lý cao nhất, không một văn bản nào có
thể trái với nội dung của bản Hiến pháp này. Hiến pháp được bảo vệ khỏi mọi sự
vi hiến bằng thiết chế Tòa án Hiến pháp Liên bang – cơ quan tư pháp uy tín nhất
thực hiện chức năng bảo hiến và có thẩm quyền giải thích Hiến pháp của Liên
bang Nga.
Ngoài ra, ngay tại Điều 64 Hiến pháp
Liên bang Nga cũng quy định: “Tất cả những
quy định trong chương này (từ 17-63: các quyền cơ bản của con người, quyền
nghĩa vụ của công dân - MVT)” tạo thành nền tảng của quy chế pháp lý cá nhân của
Liên bang Nga và không thể sửa đổi theo một quy trình khác với quy trình được
quy định bởi chính Hiến pháp này”. Với quy định này, các nhà lập pháp không
thể sửa được quy định và ý nghĩa của Điều 30 của Hiến pháp về quyền tự do hiệp
hội.
Bên cạnh Hiến pháp Nga ghi nhận hệ
thống nguyên tắc mà qua đó có thể coi là các công cụ hữu hiệu để thực hiện quyền
tự do hiệp hội.
Ngay tại Chương I của Hiến pháp “Nền
tảng của chế độ hiến định” đã ghi nhật hàng loạt những nguyên tắc có ý nghĩa không
chỉ cho việc tổ chức và hoạt động của hệ thống quyền lực mà còn có giá trị to lớn
đảm bảo quyền tự do hiệp hội của công dân. Theo đó, nước Nga được ghi nhận là một
nhà nước pháp quyền, dân chủ (Điều 1); Con người, quyền và tự do của con người
là giá trị cao quý nhất, ghi nhận, tuân thủ và bảo vệ quyền và tự do của con
người, công dân là trách nhiệm của nhà nước (Điều 2); Quyền lực nhà nước ở Liên
bang Nga được thực hiện trên cơ sở phân định: quyền lập pháp, quyền hành pháp và
quyền tư pháp, các quyền đó độc lập với nhau (Điều 10)… Tại Chương II “Quyền và
tự do của con người, của công dân” đã ghi nhận rất nhiều những nguyên tắc tiến
bộ được coi là cơ chế quan trọng đảm bảo thực hiện các quyền, tự do con người,
của công dân Nga, trong đó có quyền tự do hiệp hội. Chẳng hạn, tại Điều 17 quy
định: “Ở Liên bang Nga ghi nhận và đảm bảo các quyền và tự do của con người, của
công dân phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quốc tế và với bản Hiến
pháp này” hay “Các quyền và tự do của con người, của công dân có hiệu lực trực
tiếp. Các quyền, tự do ấy quy định ý nghĩa, nội dung và việc áp dụng luật, cũng
như các hoạt động của nhánh quyền lập pháp, hành pháp của chính quyền tự quản địa
phương và được đảm bảo bởi tòa án” (Điều 18).
Rõ ràng, đây là những quy định có tính
nguyên tắc nhưng có hiệu lực trực tiếp, tối thượng và nội dung của nó được coi
là có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho thực hiện các quyền, tự do của con người,
của công dân, trong đó, đương nhiên, có quyền tự do hiệp hội. Ngoài hàng loạt các
quyền, tự do phù hợp với pháp luật nhân quyền quốc tế, Hiến pháp ghi nhận các
quyền liên quan trực tiếp đến quyền hiệp hội. Điều 31 Hiến pháp Nga quy định:
“Công dân Liên bang Nga có quyền tự do hội họp hòa bình, không vũ khí, tiến
hành các cuộc họp, các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành, và phong tỏa”. Tại Điều
29 Hiến pháp ghi nhận công dân có quyền tự do ngôn luận. Việc ghi nhận những
quyền này là đảm bảo chắc chắn cho quyền tự do hiệp hội bởi thật khó có thể thực
hiện quyền tự ho hiệp hội khi công dân không có quyền hội họp và tự do ngôn luận.
2.2. Bảo đảm bằng hệ thống chính sách, pháp luật về các cam kết và nghĩa vụ của nhà nước đối với quyền tự do hiệp hội
2.2. Bảo đảm bằng hệ thống chính sách, pháp luật về các cam kết và nghĩa vụ của nhà nước đối với quyền tự do hiệp hội
Liên kết vào các hiệp hội, hội họp là
quyền của người dân, tuy nhiên, quyền này khó có thể được thực hiện nếu không có
những “cam kết” và “nghĩa vụ” của nhà nước.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người
dân thực hiện quyền này và cũng thực hiện nghĩa vụ Hiến định như đã nói ở trên, Liên bang Nga
ban hành hàng loạt các đạo luật để thiết lập cơ chế đảm bảo thực hiện quyền tự
do hiệp hội.
Ngoài Hiến pháp với tư cách là luật
cơ bản và hiệu lực cao nhất, Liên bang Nga có một số đạo luật cụ thể hóa quyền
tự do hiệp hội của người dân cũng như các đảm bảo pháp lý của nhà nước để thực
hiện quyền tự do hiệp hội, quy chế pháp lý của các hiệp hội xã hội Trong số đó,
trước hết phải kể đến Đạo luật Liên bang số 82-FZ “Về các hiệp hội xã hội”,[4] ban hành ngày 19/5/1995 được
sửa đổi, bổ sung 11 lần (lần gần nhất là ngày 30/1/2016). Đạo luật này là văn bản
pháp lý quy định trực tiếp nhất về các hình thức hiệp hội, các quyền, nghĩa vụ
của các hiệp hội xã hội, quy trình, điều kiện thành lập, chấm dứt hoạt động, các
đảm bảo pháp lý thực hiện quyền tự do hiệp hội cũng như những quy định quản lý
nhà nước trong trường hợp vi phạm pháp luật về tự do hiệp hội ở Nga.
Ngoài đạo luật chủ chốt này, Chính
quyền Liên bang còn ban hành đạo luật liên quan trực tiếp - Luật Liên bang “Về
các tổ chức phi lợi nhuận” (1996)[5] và rất nhiều đạo luật khác điều chỉnh các hội
nhóm đặc thù như Luật Liên bang về “Tự do tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo”,
Luật về “Về các nghiệp đoàn và các quyền, đảm bảo pháp lý cho hoạt động của
nghiệp đoàn” (1995) , Luật “Về hoạt động từ thiện và các tổ chức từ thiện”
(1995), Luật “về hoạt động hỗ trợ nhà nước đối với các tổ chức thanh niên và trẻ
em” (1995) Luật “Về các đảng chính trị” (2002)…
Bên cạnh hệ thống pháp luật Liên
bang, với cấu trúc nhà nước Liên bang và công nhận quyền tự quản địa phương,
trong hệ thống pháp luật và “bán pháp luật” còn có các đạo luật của các chủ thể
Liên bang cũng như văn bản điều chỉnh quyền tự do hiệp hội ở Nga trên phạm vi các
chủ thể tương ứng và ở các đơn vị tự quản. Trên thực tế, ở mỗi chủ thể đều ban
hành các đạo luật về quyền tự do hiệp hội.
Nhưng, có lẽ quan trong hơn cả đối với
việc đảm bảo thực thi quyền này vẫn là nội dung của các luật trên.
Theo quy định của Luật Liên bang “Về
các hiệp hội xã hội”, Nhà nước Nga cam kết quyền tự do thành lập hội, tham gia
vào các hội hay rút khỏi các hiệp hội. Luật này ghi nhận “đăng ký” thành lập hội
chỉ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Điều này có nghĩa, người dân có quyền
thành lập chứ không phải xin phép thành lập hội. Nhà nước chỉ khuyến khích các
hiệp hội đi đăng ký bằng cơ chế trao thêm quyền cho các hội. Chẳng hạn trao quyền
pháp nhân cho tổ chức hoặc cơ quan đại diện hiệp hội đó như đã bàn đến ở trên…
Rõ ràng đây là cơ chế pháp lý quan trọng đảm bảo thực thi quyền này bởi ở nhiều
quốc gia nhà nước đặt ra “hàng rào kỹ thuật” bằng cách bắt phải đăng ký mới được
thành lập và nếu không “hợp mắt” thì nhà nước có thể không cấp phép cho thành lập.
Ngoài quy định trên, cũng tại Luật này
đã đề ra quy định cấm các cơ quan nhà nước, chính quyền tự quản trở thành các
thành viên sáng lập, tham gia hoặc thành viên của các hiệp hội dưới bất kỳ hình
thức nào (Điều 19). Đây là quy định hết sức quan trọng, bởi lẽ hiện nhiều quốc
gia dù cho phép thành lập hội nhưng lại “cài cắm” các nhân viên nhà nước vào để
giám sát hoặc gây ảnh hưởng tới hoạt động và tự do của các hiệp hội.
Một trong những đảm bảo pháp lý quan
trọng khác đó là việc cấm yêu cầu khai báo trong các giấy tờ chính thức về sự
tham gia của công dân vào tổ chức xã hội. Việc tham gia hay không tham gia tuyệt
đôi không phải là căn cứ để hạn chế quyền công dân hoặc có những đặc quyền nào
khác (Điều 19). Quy định này cho phép các công dân được tự do tham gia lập hội
mà không phải lo về “hồ sơ” của mình trước chính quyền cũng như những định kiến
xã hội.
Ngoài những đảm bảo trên, để đảm bảo
thực hiện quyền này, nhà nước đưa ra những cam kết cấm các cơ quan nhà nước, tự
quản địa phương và các nhà chức trách can thiệp vào hoạt động của các hiệp hội.
Nhà nước tạo điều kiện cho các hội hoạt động bằng các hỗ trợ về chính sách và cả
những ưu đãi về thuế. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ bằng tài chính đối với các chương
trình hoạt động công ích của hiệp hội khi họ có đề xuất hoặc ký kết các hợp đồng,
cho các hiệp hội được thực hiện những hoạt động công ích nhất định phù hợp với
mục tiêu hoạt động của các hiệp hội vì phúc lợi xã hội… (Điều 17).
2.3.
Bảo đảm bằng hệ thống các thiết chế
bảo vệ quyền con người
Cùng với việc xây dựng xã hội dân chủ
và nhà nước pháp quyền, ở Nga các thiết chế bảo vệ quyền con người đang ngày càng
mở rộng về quy mô, đông đảo về các hình thức tổ chức, hiệu quả trong hoạt động.
Trong vô số những cơ chế bảo vệ, bảo đảm nhân quyền có thiết chế Ombudsman.
Ombudsman ở Nga là một thế chế mang
tính chất nửa xã hội có hệ thống ở hầu hết các địa phương trên toàn Liên bang.
Ombudsman do một cá nhân uy tín và có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhân quyền
đứng dầu và do Quốc hội Liên bang phê chuẩn. Ở mỗi một chủ thể Liên bang lại có
ombudsman riêng. Hiệu quả hoạt động của Ombudsman ở chỗ các kết luận, kiến nghị
của nó phải được phúc đáp, xem xét Ombudsman là thiết chế vẫn được phép hoạt động
ngay cả khi ban bố tính trạng khẩn cấp hoặc tình trạng chiến tranh. Thực tiễn
hoạt động của Ombudsman đã chỉ rõ tính hiệu quả và trong những vụ việc được
Ombudsman bàn đến có nhiều vụ việc liên quan đến quyền tự do hiệp hội của người
dân.[6]
2.4. Bảo đảm bằng cơ chế bảo hiến và hệ
thống tư pháp độc lập
Cũng như nhiều quốc gia khác, Nga có
hệ thống bảo hiến và hệ thống tư pháp độc lập. Chức năng bảo hiến liên bang được
giao cho Tòa án Hiến pháp, còn đối với các hiến pháp/hiến chương của các chủ thể
liên bang được giao cho các tòa án hiến pháp /tòa án hiến chương của chủ thể. Bảo
hiến có vai trò quan trọng trong đời sống pháp luật Nga, bởi lẽ Hiến pháp dù tiến
bộ nhưng nếu không được bảo vệ thì những quy định, nguyên tắc nói trên đều trở
thành hình thức. Tòa án Hiến pháp giúp cho các quy định của Hiến pháp được bảo
vệ, trong đó có các quy định về quyền tự do hiệp hội. Thực tiễn xét xử của Tòa án
Hiến pháp Nga đã có nhiều vụ việc, khiếu kiện liên quan đến thực hiện quyền tự
do hiệp hội của người dân.[7]
Bên cạnh hệ thống bảo hiến, ở Nga vận
hành hệ thống tòa độc lập được giao nhiệm vụ bảo bệ quyền con người, quyền công
dân, trật tự hiến định và công lý. Không có hệ thống tư pháp độc lập, các quyền
con người dễ dàng có thể bị xâm hại, trong đó có quyền tự do hiệp hội.
Hệ thống tư pháp của Nga được xây dựng
trên nguyên tắc độc lập, phân định theo thẩm quyền. Các thẩm phán đảm bảo sự độc
lập đối với hệ thống tư pháp, với bộ máy tư pháp và đối với chính cái tôi của mình.[8]
Có thể khẳng định, dù có nhiều vấn đề,
tranh luận nhưng nước Nga đã có một hệ thống các quy định cũng như các cơ chế đảm
bảo thực hiện quyền hiệp hội của người dân cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
của nước Nga thời kỳ chuyển đổi. Thiết nghĩ, những kinh nghiệm của nước Nga nói
trên có thể được đem ra bàn luận, nghiên cứu, xem xét để Việt Nam có được một đạo
luật về hội phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người dân được liên
kết như một bản năng tự nhiên vốn có, đồng thời, xác định được một cách rõ ràng
trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền ấy nhằm phát huy dân
chủ, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phát triển con người./.
[1] Điều 5 Luật Liên bang số 82 “Về các
hiệp hội xã hội” (1995, sửa đổi bổ sung tới tháng 1/2016).
[2] Luật Liên bang số 95 “Về các đảng phái
chính trị”, ban hành năm 2001 được sửa đổi bổ sung rất nhiều lần và lần gần nhất
là vào tháng 3/2016.
[3] Điều 15 Luật đã dẫn.
[4] Nguyên văn tiếng Nga là: Федеральный закон от 19 мая 1995 г. N 82-ФЗ "Об общественных объединениях". Xem trên: http://base.garant.ru/10164186/1/#block_100.
[5] Đạo luật này được sửa đổi bổ sung rất nhiều lần và lần gần nhất là vào tháng 3/2016.
[6] Chi tiết về vấn đề này tác giả đã có bài viết về Thiết chế Ombudsman Liên bang ở Nga trong tạp chí Khoa học của ĐHQGHN, chuyên san Luật học số 2 năm 2015.
[7] Chi tiết xem trên: http://www.ksrf.ru/ru/Pages/default.aspx
[8] Chi tiết về cơ chế đảm bảo ngày đã được tác
giả trình bày cụ thể trong bài viết về « «Đảm bảo sự độc lập của thẩm phán
ở Liên bang Nga » trong tạp chí NCLP, 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.